Kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội (QH) sau Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV do Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Xây dựng theo Văn bản số 03/BDN ngày 08/1/2020, có hai nội dung.
Thứ nhất, “cử tri phản ánh nước ta đang trong phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, các khu đô thị, chung cư mới đã và đang được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, gây quá tải trong công tác quản lý quy hoạch, hạ tầng đô thị”. Thứ hai, “cần có quy hoạch, chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi người dân trong đảm bảo diện tích đất phục vụ cho các công trình công cộng”.
Thế nhưng trong Công văn 759/BXD-QHKT ngày 26/2/2020, Bộ Xây dựng đã “lờ đi” vấn đề thứ nhất, mà chỉ trả lời chung chung với vế thứ hai, kiểu “pháp luật hiện hành đã có quy định”.
Thực tế cho thấy vấn đề thứ nhất cử tri kiến nghị thắc mắc và Bộ Xây dựng “lờ đi” là vấn nạn nhức nhối. Như ở Hà Nội, tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu đang phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Chỉ tính trong vòng bán kính 100m hai bên mặt đường Lê Văn Lương dài hơn 2km, đã có tới gần 40 tòa nhà cao tầng.
Hơn một năm trước, ngày 14/6/2019, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 82/2019/QH14 “về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”. Nói cách khác, vì công tác quy hoạch đô thị “có vấn đề”, nên Quốc hội mới phải ra Nghị quyết chỉ đích danh sự việc.
Nghị quyết nêu rõ: “Chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư”.
Về nguyên nhân, Quốc hội nêu rõ: “Chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế. Việc thi hành pháp luật chưa tốt, còn nhiều sai phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, đô thị.
Các công cụ để quản lý quy hoạch đô thị chậm được phê duyệt và ban hành. Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả”.
Gần một năm sau ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 82, dường như Bộ Xây dựng vẫn chưa biến chuyển nhiều, nên mới ra văn bản kiểu “hỏi một đằng, trả lời một nẻo” như trên.