Hơn 500 đầu bếp thực hiện 100 mâm lễ công phu tưởng nhớ tổ nghề Lang Liêu

(PLVN) - Hơn 500 các nghệ nhân, cộng đồng đầu bếp đến từ các Hội, Chi hội, Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam sẽ xác lập kỷ lục thực hiện 100 mâm lễ công phu với bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho đất và trời; tưởng nhớ tổ nghề Lang Liêu và các món ẩm thực độc đáo của Việt Nam.
Hoàng tử Lang Liêu là người đã làm ra bánh chưng, bánh giầy trong cuộc thi dâng mâm cỗ cúng tổ tiên (tranh vẽ minh họa).

Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, tri ân công đức tổ tiên; phường Dữu Lâu (Việt Trì, Phú Thọ) chủ trì phối hợp với Công ty Masan, Cộng đồng đầu bếp Việt - Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam tổ chức các hoạt động tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 06 - 07/05/2025 tại phường Dữu Lâu.

Sẽ xác lập kỷ lục 100 mâm lễ lớn nhất Việt Nam tưởng nhớ tổ nghề Lang Liêu. (Ảnh M.S)

Hơn 500 các nghệ nhân, cộng đồng đầu bếp đến từ các Hội, Chi hội, Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam sẽ xác lập kỷ lục khi thực hiện 100 mâm lễ công phu với bánh chưng, bánh giầy và các món ẩm thực độc đáo của Việt Nam. Ngoài ra, chương trình quy tụ người dân, nghệ nhân và du khách cùng tham gia gói bánh, chia sẻ kỹ thuật và câu chuyện về sự tích bánh chưng, bánh giầy.

Các đầu bếp dâng ẩm thực tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu. (Ảnh M.S)

Chương trình còn có các tiết mục nghệ thuật biểu diễn với các tiết mục hát, múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, thành phố Việt Trì anh hùng và đặc biệt là hát xoan - di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.

Đây là dịp để các du khách trong và ngoài nước trải nghiệm văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam. (Ảnh M.S)

Các hoạt động tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu sẽ mang đến nhiều hoạt động tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tái hiện nghi lễ làm các lễ vật dâng cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương. Sự kiện còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, là dịp để các du khách trong và ngoài nước trải nghiệm văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam, giúp họ hiểu rõ hơn về lịch sử và nét đặc sắc của tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Dữu Lâu là vùng đất thuộc kinh đô Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Nơi đây có những di tích thờ tự các Vua Hùng, tướng lĩnh của các đời Hùng Vương. Trong các di tích đó có ngôi miếu cổ thờ Lang Liêu Đại Vương.

Bánh chưng, bánh giầy của Hoàng tử Lang Liêu đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam (tranh vẽ minh họa).

Theo truyền thuyết và sử sách còn ghi lại, hoàng tử Lang Liêu là con thứ của Vua Hùng thứ 6 (Hùng Huy Vương), sống tại làng Dữu Lâu của kinh đô Văn Lang xưa, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì. Hoàng tử Lang Liêu là người đã làm ra bánh chưng, bánh giầy trong cuộc thi dâng mâm cỗ cúng tổ tiên.

Lang Liêu thưa với vua cha rằng bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh giầy tượng trưng cho trời, và gạo là nguyên liệu chính làm nên bánh, chính là món ăn nuôi sống con người, là sự kết tinh của công lao động và là vật phẩm thiêng liêng, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, đất trời và cha mẹ.

Bánh chưng, bánh giầy đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cho đến ngày nay, những chiếc bánh này vẫn là món ăn quen thuộc trong các dịp lễ, Tết, giữ vững giá trị văn hóa, kết nối các thế hệ và thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, biết ơn dân tộc.

Đọc thêm