Chống hàng giả: Cần 'cuộc chiến' tổng lực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và uy tín quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm không chỉ là vấn đề an toàn tiêu dùng mà còn là mối nguy trực tiếp đến sinh mạng con người, uy tín quốc gia và nền kinh tế. Thực trạng nhức nhối cùng hàng loạt vụ việc bị triệt phá gần đây cho thấy, nếu các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và toàn xã hội không vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nguy cơ mất kiểm soát thị trường và đánh mất niềm tin xã hội sẽ trở thành hiện thực, để lại những hậu quả khó lường cho nhiều thế hệ người Việt.
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.

Vấn nạn nhức nhối của thị trường Việt Nam

Trong những năm gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm đã và đang trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối nhất của thị trường Việt Nam. Những con số thống kê, cùng các vụ án bị triệt phá liên tiếp từ Bắc tới Nam, cho thấy quy mô hoạt động ngày càng lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, phá hoại môi trường kinh doanh và làm xói mòn niềm tin xã hội.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 33.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thu nộp ngân sách gần 4.000 tỷ đồng. Sang năm 2023, số vụ việc tiếp tục tăng khoảng 7% so với năm trước, trong đó nổi bật là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị điện tử.

Đáng chú ý, chỉ riêng quý I năm 2025, ngành công an đã triệt phá gần 500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả lớn, cho thấy tính chất phức tạp, dai dẳng của loại tội phạm này.

Điển hình là vụ việc tại tỉnh Thanh Hóa, lực lượng công an đã triệt phá một đường dây chuyên buôn bán thuốc chữa bệnh giả, trong đó nhiều loại thuốc điều trị ung thư, tiểu đường, tim mạch... những mặt hàng liên quan trực tiếp đến tính mạng con người đã bị làm giả, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Mới đây tại Phú Thọ, Công an tỉnh đã đột kích xưởng sản xuất thực phẩm giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm và gần 84 tấn phụ gia không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này được tiêu thụ chủ yếu tại các bếp ăn công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc hàng loạt và hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Qua các vụ án trên, có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, có tổ chức. Nguyên liệu được nhập lậu, trôi nổi; quá trình chế biến diễn ra thủ công, pha trộn hóa chất độc hại; bao bì, nhãn mác được làm giả tinh xảo đến mức khó phân biệt bằng mắt thường.

Các đối tượng tận dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hóa, né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Một số đối tượng còn lợi dụng kẽ hở trong quy định tự công bố sản phẩm để hợp thức hóa nguồn hàng, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Tác hại của hàng giả không chỉ dừng lại ở thiệt hại kinh tế hay thất thu ngân sách. Đối với người bệnh, việc sử dụng thuốc giả khiến bệnh tình không thuyên giảm, thậm chí nặng thêm, gây tử vong oan uổng. Đối với người tiêu dùng thực phẩm giả, hậu quả có thể là ngộ độc cấp tính, suy gan, suy thận, ung thư và những tổn thương lâu dài cho sức khỏe thế hệ tương lai. Về mặt xã hội, hàng giả làm suy giảm niềm tin vào sản phẩm nội địa, méo mó thị trường, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Cần "cuộc chiến" tổng lực từ các cấp

Thực trạng nhức nhối này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, khung pháp lý hiện hành còn tồn tại những kẽ hở, mức xử phạt hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Thứ hai, công tác kiểm tra, hậu kiểm ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng. Thứ ba, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, tâm lý ham rẻ khiến hàng giả có "đất sống". Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự tiếp tay của một số doanh nghiệp, nhà phân phối vì lợi nhuận bất chính.

Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, cần phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Trước hết, Quốc hội, Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm; áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc, thậm chí tù chung thân đối với các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, cần quy định tịch thu toàn bộ tài sản thu lợi bất chính để triệt tiêu động cơ phạm tội.

Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ công tác đặc biệt liên ngành ở cấp Trung ương và địa phương, chuyên trách về phòng, chống hàng giả; tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Việc ứng dụng công nghệ cao như mã QR, Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng cần được đẩy mạnh, kết hợp với siết chặt quản lý hoạt động thương mại điện tử, yêu cầu các sàn giao dịch chịu trách nhiệm liên đới về nguồn gốc hàng hóa.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức tiêu dùng, biết cách phân biệt hàng thật - hàng giả, tố giác kịp thời những hành vi vi phạm. Các phương tiện truyền thông đại chúng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, đưa tin, cảnh báo về hàng giả. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả kéo dài trên địa bàn quản lý. Có như vậy mới tạo được sự chuyển biến thực chất từ gốc rễ.

Hàng giả, thuốc giả, thực phẩm giả không chỉ là những sản phẩm bất hợp pháp; chúng là mối đe dọa đối với sinh mạng con người, sức khỏe cộng đồng và danh dự quốc gia. Chống hàng giả không thể chỉ bằng khẩu hiệu hay chiến dịch phong trào nhất thời. Đây phải là một cuộc chiến tổng lực, liên tục, bài bản, quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, từ cơ quan quản lý nhà nước tới từng doanh nghiệp, người dân.

Chỉ khi hành động mạnh mẽ, đồng bộ và kiên quyết, chúng ta mới có thể bảo vệ được thị trường trong sạch, sức khỏe cộng đồng và khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đọc thêm