Đừng thờ ơ với bảo hiểm y tế

(PLO) - Có đến các vùng sâu, xa, dân tộc, miền núi của đất nước mới hiểu bà con, nhất là các chị em khổ sở trong việc khám chữa bệnh (KCB) đến thế nào. Thật là buồn khi nghe một bác sỹ trẻ tâm sự về những chuyến công tác tình nguyện đến các vùng sâu, xa, khó khăn để KCB.
lTheo Dự thảo một quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
lTheo Dự thảo một quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Thống kê của cơ quan hữu trách cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng gia tăng, trong đó có cả những người phụ nữ nghèo vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số. Đây là một thông tin đáng mừng. Vậy nhưng, nghịch lý là số thẻ BHYT thì gia tăng, nhưng số người tiếp cận với các dịch vụ này lại giảm đi trông thấy vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc khó khăn về phương tiện đi lại, đường sá xa xôi….

Điều này đồng nghĩa với việc người nghèo và các đối tượng chính sách vẫn chưa được hưởng quyền lợi KCB của mình, trong khi đó hiện tượng kết dư Qũy BHYT lại đang gia tăng tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nó cũng đồng nghĩa với việc: Người nghèo, diện chính sách ở miền núi, vùng sâu, xa đang “hỗ trợ” tiền KCB cho những người nghèo, thậm chí cả người giàu ở khu vực đồng bằng, miền xuôi, thành phố lớn…
Thực tế này đang hiển hiện rất rõ ràng và đã được các nhà hoạch định chiến lược y tế chứng minh bằng những chứng cớ rất hùng hồn. Chính bởi thế, một chính sách lớn đang được gấp rút xây dựng để khắc phục tình trạng này.
Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt một số chính sách đặc thù hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đang được xây dựng và hoàn thiện: Sẽ hỗ trợ 100% chi phí trong khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế công lập từ tuyến huyện trở lên; hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân điều trị nội trú hoặc sinh con tại các cơ sở y tế công lập từ trạm y tế xã trở lên. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày; hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và ngược lại cho phụ nữ đi khám chữa bệnh, khám thai, sinh con…
Thông tin này lại một lần nữa khiến chị em vùng sâu, xa, đặc biệt là phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên, không ít người lại chép miệng thở dài khi “để mắt” đến những điều kiện nêu ra trong bản Dự thảo đang được đưa ra xin ý kiến. Điển hình nhất là tiêu chuẩn: Phụ nữ muốn được hưởng chính sách này phải thực hiện đúng chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình, nghĩa là chỉ có hai đứa con.
Vậy nhưng, đại đa số phụ nữ thuộc diện được xét lại không dừng lại ở mức sinh này. Vẫn biết mọi chủ trương, chính sách là đáp ứng nguyện vọng và để phục vụ quyền lợi của người dân, nhất là người nghèo, nhưng nếu “chiểu” theo những quy định, điều kiện đó, sẽ có mấy người được hưởng???
Cùng với điều kiện vừa nêu, số người được xét hưởng chính sách cũng sẽ bị hạn chế một phần do số người nghèo thuộc dân tộc thiểu số chỉ có hạn, và ngày càng ít dần khi số hộ nghèo theo thống kê ngày càng giảm đi, số hộ cận nghèo thì lại càng gia tăng.
Trong khi đó, khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo chẳng khác nhau là mấy. Đến như những người có mức sống trung bình, thậm chí là khá nhưng khi gặp bệnh nặng, hiểm nghèo vẫn “rỗng túi” như thường. Và còn biết bao nhiêu lý do khác nữa khiến những người phụ nữ nghèo không thể tiếp cận với các dịch vụ KCB, cho dù hết chính sách này, chủ trương nọ được ban hành.
Thiết nghĩ, một chính sách dù có đúng đắn đến mấy cũng phải sát hợp với thực tế và đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng chính đáng của người dân. Có như vậy, chính sách đó, quy định đó mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.      

Đọc thêm