“Hồng Xuza - nữ công chức tư pháp tận tụy với nghề

(PLVN) - Trong các nhóm trao đổi công việc lĩnh vực hộ tịch ở Nghệ An, cái tên “Xuza” đã trở nên quen thuộc. Không phải một nhân vật nổi tiếng trên mạng, đây là nickname của chị Trần Thị Hồng, công chức Tư pháp – Hộ tịch xã Hạnh Quảng, huyện Diễn Châu – người thường xuyên “trực chiến” hỗ trợ nhiệt tình cho đồng nghiệp trong các chiến dịch số hóa ngành tư pháp.
Với chị Hồng, mỗi chữ ký, mỗi con dấu trong hồ sơ hộ tịch không chỉ là thủ tục, mà còn là sự công nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

“Đến giờ nhiều anh chị đồng nghiệp ở các huyện khác vẫn gọi tôi là “Xuza” thay vì tên thật. Có người còn quen gọi “Hồng Xuza”. Mỗi lần như vậy tôi lại thấy rất vui vì cảm nhận được sự gần gũi, yêu quý mọi người dành cho mình”, chị Hồng chia sẻ.

“Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Gần 10 năm gắn bó với công việc, chị Hồng vẫn nhớ như in những ngày đầu bỡ ngỡ nhận nhiệm vụ. Sinh năm 1991 trong một gia đình làm nông có 5 chị em gái, bố mất sớm, từ nhỏ Hồng đã luôn cố gắng học tập và tốt nghiệp bằng giỏi Đại học Luật Hà Nội. Theo chính sách thu hút nhân tài của huyện, chị về làm công chức Tư pháp – Hộ tịch tại UBND xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu; 5 năm sau được điều chuyển đến UBND xã Hạnh Quảng.

Thời gian đầu, chị Hồng đã phải đối mặt với những tình huống chưa từng được “giáo trình” nào đề cập. Rất nhiều vụ việc hộ tịch thực tế tại địa phương mà luật chưa dự liệu hết được. Công việc phức tạp với hệ thống pháp luật hộ tịch thường xuyên thay đổi, nhiều quy định đan xen, việc áp dụng văn bản pháp luật gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, ở vùng quê nơi chị công tác, người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của giấy tờ hộ tịch; nhiều người thậm chí đổi tên theo mỗi lần khai hồ sơ. Lịch sử trước đây cũng để lại nhiều vướng mắc cần giải quyết với các yếu tố nhạy cảm.

Không chùn bước trước khó khăn, chị Hồng luôn học hỏi từ các đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm, thường xuyên tìm hiểu văn bản pháp luật và ghi chép lại các tình huống thực tế để rút kinh nghiệm. Để thuận tiện hơn trong lưu trữ, tìm kiếm hồ sơ, chị tự học quy trình lưu trữ khoa học và tạo hệ thống ghi chú chi tiết.

“Công tác hộ tịch liên quan đến nhân thân một con người và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân. Thời điểm mới thực hiện công việc, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi cách nghĩ của người dân về tầm quan trọng của các giấy tờ hộ tịch. Nhưng với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để thực hiện các nhiệm vụ, tôi luôn giữ thái độ chuẩn mực trong giao tiếp, mềm dẻo nhưng đúng pháp luật. Điều quan trọng nhất là nắm vững quy định pháp luật để giải quyết công việc hợp tình hợp lý, làm sao đúng luật và thuận tiện nhất cho người dân”.

Chị Hồng (thứ hai từ trái sang) trong chiến dịch số hóa dữ liệu hộ tịch của ngành Tư pháp Nghệ An. Ảnh: NVCC

Mỗi chữ ký, mỗi con dấu không chỉ là thủ tục

Chị tâm sự từng có thời điểm bị một người dân “phản ánh” về việc “quá nguyên tắc” khi yêu cầu thực hiện các giấy tờ đúng quy định của pháp luật. Có những giai đoạn áp lực chồng chất khiến chị nghĩ liệu đây có phải một công việc phù hợp với mình. Nhưng hơn 9 năm gắn bó, tình yêu với lĩnh vực hộ tịch lại ngày càng sâu sắc hơn. Niềm vui lớn nhất đối với chị là đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người dân về tầm quan trọng của việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực này.

“Công tác hộ tịch là nơi ghi nhận những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người – từ khai sinh, kết hôn, cho đến khai tử. Tôi thấy vui và tự hào mỗi khi hoàn tất một hồ sơ khai sinh cho trẻ nhỏ, vì biết rằng mình vừa góp phần giúp một công dân mới chính thức hiện diện về mặt pháp lý. Hay khi chứng kiến niềm vui của các cặp đôi đến đăng ký kết hôn, tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của việc phục vụ nhân dân bằng tinh thần tận tụy và trách nhiệm”, chị Hồng chia sẻ.

Thậm chí chị Hồng từng làm cán bộ hòa giải bất đắc dĩ cho một cặp vợ chồng trẻ. Một lần, khi một cặp vợ chồng trẻ dắt con nhỏ lên UBND xã xin tư vấn thủ tục ly hôn, đứa trẻ ngây thơ đã thốt lên: “Con muốn ở với cả bố và mẹ”. Câu nói ấy khiến chị Hồng trăn trở. Tối hôm đó, chị tìm đến nhà hai vợ chồng để hòa giải. “Tôi dùng chính câu nói của cháu bé để lay động họ. May mắn là họ đã suy nghĩ lại và hiện đang sống hạnh phúc”, chị kể.

“Dù công việc đôi lúc có áp lực, đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và luôn bám sát các quy định pháp luật, nhưng chính những tình huống đó giúp tôi trưởng thành hơn về chuyên môn và bản lĩnh xử lý công việc. Càng làm, tôi càng hiểu rằng mỗi chữ ký, mỗi con dấu trong hồ sơ hộ tịch không chỉ là thủ tục, mà còn là sự công nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, chị tâm sự.

“Tình nguyện viên” trong chiến dịch chuyển đổi số

Không chỉ say mê công tác, chị Hồng cũng là một trong những cán bộ tư pháp trẻ tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.

Năm 2022, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong lĩnh vực tư pháp, việc triển khai nhóm thủ tục liên thông khai sinh, liên thông khai tử, liên thông kết hôn và số hóa hộ tịch là trọng tâm. Với vai trò công chức Tư pháp - Hộ tịch, chị Hồng đã tham mưu cho UBND xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng, hướng dẫn người dân tạo tài khoản, thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến trên cổng dịch vụ công tỉnh Nghệ An, góp phần hiện đại hóa việc giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính về lĩnh vực hộ tịch.

Khi mới triển khai các nhóm thủ tục trên, hầu hết các công chức tư pháp cấp xã đều bỡ ngỡ vì mới tiếp cận, từ hồ sơ giấy chuyển lên môi trường điện tử, trình độ công nghệ thông tin cũng không đồng đều. Tỉnh Nghệ An đã thành lập nhóm hỗ trợ thực hiện Đề án 06 gồm tổ hỗ trợ kỹ thuật của tỉnh và các công chức cấp xã. Ngay từ đầu chị Hồng đã tham gia giúp đỡ các đồng nghiệp trong và ngoài huyện. Những tin nhắn cảm ơn liên tiếp gửi về càng tiếp thêm nhiệt huyết cho chị.

Bên cạnh tiếp dân, xử lý hành chính, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch như chị Hồng còn đồng hành với quá trình số hóa, cải cách hành chính. Ảnh: NVCC

Tháng 3/2025, Sở Tư pháp Nghệ An triển khai chiến dịch 30 ngày đêm số hóa dữ liệu hộ tịch. Chị Hồng tiếp tục tham gia hỗ trợ tình nguyện. Có những đêm làm đến tận 2 giờ sáng, quên ăn, quên ngủ với mục tiêu duy nhất “đảm bảo tất cả dữ liệu hộ tịch được đưa vào cơ sở dữ liệu điện tử”. Với riêng chị Hồng, đó là những ngày tháng “chiến đấu” quên mình. Ngày làm ở cơ quan, tối và ngày nghỉ cuối tuần vừa lo việc gia đình vừa “trực chiến” sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp giải quyết vướng mắc trong triển khai liên thông, số hóa dữ liệu.

Dấu chân lặng thầm

Qua những ngày cao điểm của chiến dịch, một ngày làm việc của chị Hồng lại trở về quỹ đạo bình thường. Bắt đầu từ 7h sáng, ngay khi có mặt tại bộ phận "một cửa", chị cùng đồng nghiệp kiểm tra hồ sơ đã nộp online trên Cổng Dịch vụ công, phân loại và chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để tiếp nhận trực tiếp.

Ngoài những lúc trực hành chính tiếp dân, khi phát sinh những tình huống hộ tịch phức tạp, hết giờ làm hoặc những ngày nghỉ, nữ cán bộ tư pháp lại đi xác minh ở các xóm, trường học, trạm y tế…. để đảm bảo hồ sơ người dân được giải quyết đúng theo quy định pháp luật, vừa có tình vừa có lý.

Hiện nay khối lượng công việc của công chức Tư pháp – Hộ tịch càng tăng hơn để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp. Ở những địa bàn nơi chị Hồng làm việc, người dân chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ nên để làm được hồ sơ trực tiếp, bước đầu công chức Tư pháp phải phối hợp với các bộ phận khác để hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công, cài đặt Vnied bước 1, nộp hồ sơ, tra cứu trực tuyến…

Âm thầm làm việc, âm thầm cống hiến, chị Hồng cũng như rất nhiều cán bộ tư pháp xã, phường trên cả nước vẫn ngày ngày tận tụy với công việc. Mỗi con dấu, mỗi thao tác nhập liệu, mỗi lời giải thích đều là tình yêu với nghề, là trách nhiệm với nhân dân.

“Công việc hàng ngày của công chức Tư pháp – Hộ tịch không đơn giản như người ngoài nhìn vào. Ngay cả người thân của tôi trước đây cũng từng nghĩ tôi đến cơ quan chỉ “ngồi dập dấu”. Nhưng không phải. Bên cạnh tiếp dân, xử lý hành chính còn là sự đồng hành với quá trình số hóa, cải cách hành chính. Công việc tưởng như đơn giản, song đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối – vì chỉ cần sai một con số trong giấy khai sinh hay một lỗi nhỏ trong thông tin kết hôn, hậu quả có thể ảnh hưởng đến quyền lợi pháp lý của người dân trong nhiều năm sau”, chị Hồng cho biết.

Chị Trần Thị Hồng đã nhận được nhiều giấy khen trong quá trình công tác:

Năm 2016: Giải nhất cá nhân trong cuộc thi hòa giải cơ sở do UBND huyện tổ chức; Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp.

Năm 2018: Giấy khen của Sở Tư pháp Nghệ An trong công tác 03 năm triển khai thi hành Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Năm 2019: Giấy khen của UBND huyện Diễn Châu vì có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp; Giải khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và cung cấp, sử dụng dịch vụ công năm 2019”; Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Diễn Châu

Năm 2022: Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu vì có thành tích xuất sắc 6 năm thực hiện Luật hộ tịch.

Năm 2023: Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu vì đã tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu cải cách hành chính tỉnh Nghệ An năm 2023.

Năm 2024: Giấy khen của CHủ tịch UBND huyện Diễn Châu vì có thành tích xuất sắc trong tham gia cuộc thi trực tuyến ”Tìm hiểu Luật căn cước năm 2023 và dịch vụ Công trực tuyến huyện Diễn Châu”; Giấy khen của Đảng ủy xã Diễn Hạnh vì thành tích xuất sắc 3 năm thực hiện Nghị Quyết 05/NQ-TU.

Chị Hồng cũng liên tiếp đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở trong các năm 2023, 2024.

Đọc thêm