Hợp nhất Thông tư và Nghị định về nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Xây dựng ban hành văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BXD về việc hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Hợp nhất Thông tư và Nghị định về nhà ở

Ngày 26/8/2021, Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Nguyễn Văn Sinh đã ký văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BXD.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung về phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 (sau đây gọi là Luật Nhà ở) và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (sau đây gọi là Nghị định số 99/2015/NĐ-CP).

Đối với nội dung về phát triển nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở xã hội không thuộc sở hữu nhà nước thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Trong văn bản hợp nhất thể hiện, Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2016 được sổ đổi bổ sung bởi 02 Thông tư. Cụ thể:

Thứ nhất, Thông tư số 02/2019/TT-BXD ngày 01/07/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về chế độ báo cáo định kỳ, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số điều của các Thông tư liên quan đến chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.

Thứ hai, Thông tư số 07/2021/TT-BXD ngày 30/06/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 và Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích sử dụng là để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình. Phân loại theo mục đích sử dụng thì nhà ở bao gồm: nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội. Cụ thể:

Nhà ở riêng lẻ (gồm: biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập) là nhà ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được xây dựng trên đất được ghi nhận có mục đích sử dụng là đất ở (đất thổ cư).

Nhà chung cư là nhà ở có cả phần sở hữu riêng và chung, có nhiều hơn một tầng, nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang và hệ thống hạ tầng sử dụng chung cho các hộ dân cư. Chung cư được chia làm hai loại dựa vào mục đích sử dụng là để ở và sử dụng hỗn hợp cả để ở với kinh doanh.

Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng nhằm các mục đích: cho thuê, cho thuê mua hoặc bán theo cơ chế thị trường.

Nhà ở công vụ là nhà ở chỉ dành cho các đối tượng thuộc danh sách đang làm việc hay thực hiện công việc, đảm nhiệm chức vụ mà nhà nước giao cho được ưu tiên thuê để ở.

Nhà ở để phục vụ tái định cư là nhà ở do Nhà nước hỗ trợ tái định cư cho các cá nhân, hộ gia đình khi bị thu hồi giải phóng mặt bằng.

Nhà ở xã hội là nhà ở mà Nhà nước dành cho các trường hợp thuộc chính sách hỗ trợ (ví dụ như: người có công với cách mạng, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, …).

Phân loại theo quản lý chất lượng công trình xây dựng thì nhà ở được chia làm nhà chung cư và nhà riêng lẻ. Nhà ở riêng lẻ gồm: biệt thự, nhà cấp I, nhà cấp II, nhà cấp III, nhà cấp IV, nhà tạm còn biệt thự thì được đánh giá từ hạng 1 đến hạng 4.

Để xác định được “nhà ở” cần dựa vào những đặc điểm chính sau đây:

Nhà ở là tài sản gắn liền với đất, có đặc điểm vị trí đặc biệt, không thể tách rời, không thể di chuyển được, không thể trực tiếp mang đi mua bán, trao đổi.

Nhà ở có tính lâu dài, bền vững.

Nhà ở là tài sản đặc biệt, có giá trị cao, giá trị nhà ở sẽ phụ thuộc vào mức giá đất và mức xây dựng (mức độ bền vững và kết cấu hạ tầng của nhà).

Việc thực hiện các giao dịch đối với nhà ở cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, nhà ở thuộc đối tượng trong các giao dịch: mua bán, trao đổi, tặng cho, thuê, thuê mua, thừa kế, cho mượn, ủy quyền quản lý. Vậy để có thể thực hiện các giao dịch này hợp pháp thì cá nhân, hộ gia đình, tổ chức phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và phải đáp ứng điều kiện nhà ở không là đối tượng tranh chấp với bất kỳ cá nhân, tổ chức, cơ quan nào hay không thuộc đối tượng bị cơ quan thi hành án kê biên để thi hành án hoặc để thực hiện quyết định hành chính. Ngoài các điều kiện chung thì tùy từng loại giao dịch có các điều kiện cụ thể khác.

Đọc thêm