Hưng Yên: Dân lại tố “rút tỉa” tiền tỷ ở công trình cơ sở hạ tầng phố cổ Hưng Yên

(PLO) - Sau khi có bài: Hưng Yên: Nhà thầu “rút tỉa” tiền tỷ ở công trình Cơ sở hạ tầng Phố cổ Hưng Yên, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều thông tin phản ánh bản chất sự tinh vi cố ý của nhà thầu chính trong việc “rút tỉa” ở 210 đầu việc phải thi công.

Theo phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam thì việc nhà thầu chính Công ty TNHH Minh Phương - thi công gói thầu: Cải tạo cơ sở hạ tầng Phố cổ Phố Hiến; số hiệu gói thầu: HY2/NCB thi công chưa đủ khối lượng, chưa đúng chất lượng, ở hạng mục vỉa hè, các tuyến đường, hạng mục đường...chưa nói hết được bản chất sự tinh vi, cố ý của nhà thầu chính trong việc “rút tỉa” ở 210 đầu việc phải thi công.

Sơ đồ các tuyến đường Công ty TNHH Minh Phương thi công

Gãy sống lưng nguy hiểm như...róc thịt?

Phản ánh của người dân cho biết: Khi thi công các hạng mục: thoát nước hố ga, hố thu thứ cấp, hào xây, đấu nối thoát nước, rãnh cáp, hố cáp kỹ thuật, hố ga cáp kỹ thuật bằng bê tông lót đá 2×4 mác 150 đổ bằng máy trộn bê tông kết hợp với nhân công, theo yêu cầu khi đổ phải đầm thật kỹ vì bản thân lớp bê tông lót là tăng cường sự chịu tải cho lớp đất phía dưới và chịu tải trọng công trình ở phía trên, nhưng ở đây khi đổ không được đầm kỹ, lớp lót chỉ đầm sơ sài nên còn nhiều lỗ rỗng trong bê tông và không được bảo dưỡng (nhà thầu coi việc bảo dưỡng là việc làm xa xỉ) sẽ tạo ra sự xâm thực của nước vào bê tông qua lỗ rỗng. Yêu cầu của lớp này rất quan trọng vậy mà thực tế thi công lại khác, có chỗ nứt gãy do bê tông chưa đủ thời gian ninh kết tối thiểu để bảo đảm cường độ theo thiết kế là mác 150, tạo ra sự lún cục bộ trong lớp lót nhưng nhà thầu đã “vội” chuyển ngay sang bước thi công tiếp. Vậy hơn 437m 3 bê tông lót đá 2×4 “mác 150” vẫn thanh toán bình thường “đạt chất lượng”?

Xây gạch theo kiểu không đạt chất lượng?

Xây tường gạch (6,5 × 10,5 × 22)cm, vữa xi măng mác 75 ở các hạng mục: hố ga, hố thu thứ cấp, đấu nối thoát nước, hố cáp kỹ thuật, hố ga cáp kỹ thuật, hố van cấp nước xả cặn có khối lượng hơn 182m3 , trong khi xây có chỗ mạch vữa đứng của lớp gạch trên trùng với mạch đứng ở lớp dưới (đúng ra phải so le tối thiểu 5cm), mạch xây có nhiều chỗ quá 1,2cm thậm chí có chỗ lên đến 2cm, còn mạch đứng quá 1cm là đại trà, sau khi xây xong công nhân không dùng bay miết lại các mạch vữa để bảo đảm đủ đầy và chặt vì quan niệm “để đó” là xong.

Phần kỹ thuật xây gạch (6,5 × 10,5 × 22)cm thì có vẻ như không ai chỉ bảo, lượng thợ xây “nông nhàn” được huy động, nhiều người chưa biết ngang, bằng, đứng – thẳng, góc vuông mạch không trùng thành một khối đặc chắc. Thực tế mạch vữa cũng không cần “no” như yêu cầu tiêu chuẩn đề ra mà cũng chẳng che chắn tránh mất nước sớm. Phó mặc cho trời và ngoại giao để tư vấn định đoạt theo ý có lợi về tiền cho nhà thầu. Trong khi yêu cầu mạch vữa đúng là 1,0cm, thực tế khi xây tại hiện trường có nơi xây mạch vữa đứng lớn hơn 1,5cm – người dân yêu cầu nếu không tin cứ thanh tra rồi sẽ rõ?

Về chất lượng gạch xây (6,5 × 10,5 × 22)cm khi xây gạch kết cấu cho các hạng mục đã nêu ở trên nhất là phần chịu lực hố ga, hố thu...chất lượng gạch rất quan trọng, nhẵn bề ngoài trông cũng bắt mắt nhưng mua loại nào A,B hay C thì không biết ? theo chiết tính thì là gạch đặc loại I chí ít cũng có giá 1.440 đ/viên; nếu mà loại II…thì giảm ít nhất 300 đồng/viên vị chi sẽ lời được 8% về giá. Phóng viên không nhớ nổi lý giải của một người đã kinh qua ngành xây dựng ở Phường Hồng Châu - TP.Hưng Yên nên cứ ghi đầy đủ để các cơ quan chức năng TP.Hưng Yên xem xét ? quả thực quá “cần cù” rút tầng tiêu chuẩn thì cũng được khối tiền của dân.

Thi công xây gạch chỉ 6,5 × 10,5 × 22 vữa xi măng mác 75 cho các hạng mục hố ga hố thu thứ cấp, hố cáp kỹ thuật, hố van cấp nước xả cặn. Với khối lượng hơn 174m3 thực tế thi công, công nhân chỉ kéo dây làm chuẩn không có ai kiểm tra pha trộn vữa xi măng cho đúng mác 75, làm gì có chuyện thi công đủ cho 1m2 trát dày 2cm cát là: 0,024m3 , xi măng: 8,2kg làm đủ như vậy thì có mà lỗ ?

Trát chia đôi lấy nửa.

Phản ảnh gay gắt của người dân cũng nêu việc trát vữa xi măng mác 75 dày 2cm ở các hạng mục: hố ga, hào xây, đấu nối thoát nước, rãnh cáp, hố cáp kỹ thuật, hố ga cáp kỹ thuật, hố van cấp nước xả cặn ở tổng 7 hạng mục công việc này là hởn 7.600m2 cũng có dấu hiệu sai phạm, theo quy định mác vữa xi măng 75 được trộn bằng xi măng cát vàng phải bảo đảm cho 1m2 trát theo định mức thì xi măng phải đủ 8,2kg/m2 , cát vàng 0,024m3 . Thực tế trong thi công chiều dày chỉ trát đến 1cm như vậy lượng xi măng thực tế đưa vào công trình chỉ đến 52% cũng như khối lượng vữa phải trát cho 1m2 chỉ hết 12lít/23lít (theo định mức 1784/BXD-VP ngày 16 tháng 08 năm 2007 của Bộ Xây Dựng về việc công bố định mức trong xây dựng) nhà thầu đã…lấy ra được 48% “lợi nhuận” từ việc trát mỏng hơn theo thiết kế, người dân cũng đặt vấn đề nếu mà chỉ trát vữa xi măng mác 50 dày không đủ 2cm thì quá tai hại cho công trình ?

Về chất lượng gạch xây khi nghiệm thu TVGS và nhà thầu đã bỏ qua kiểm tra chất lượng vật liệu (gạch) đầu vào mà chủ yếu “vẽ” trong phòng thí nghiệm, cách làm này theo kiểu “gạch một bên và vữa một bên” mà xây, trộn thế nào cũng được, nhưng tiền dân phải trả nợ là không thay đổi ?

Dấu hiệu sai phạm ở các loại cấp phối đá dăm

Ở các hạng mục mặt đường, nút giao có khối lượng (bù vênh 5.392m3 , lớp dưới 527m3 , lớp trên 1.322m3 ) với khối lượng đầm chặt 7.241m3 thì khối lượng vận chuyển về tại công trường phải là 10.282m3 , (hệ số rời 1,42), điều đáng nói thực tế trong quá trình thi công chưa có đồng bộ về tổ hợp các thiết bị như máy rải 50m3 đến 60m3 /h, lu rung 25 tấn, máy lu bánh lốp 16 tấn, máy lu 10 tấn, ôtô tưới nước dung tích 5m3 , máy khác…nhưng tại hiện trường không đủ các thiết bị trong suốt quá trình thi công, do đó trong quá trình thi công việc rải và lu lèn, đầm nén không đạt được như thiết kê yêu cầu, chỉ còn bằng cách châm chước để lập hồ sơ theo bản vẽ thi công, hợp thức với chất lượng theo thiết kế mà thanh toán. Nếu khối lượng ở hạng mục trên còn độ rỗng tiềm ẩn trong lớp cấp phối này từ 10% trở lên thì nền đường mới làm trở thành nền “đường khổ” ?

Hạng mục lát đá xẻ và gạch tự chèn vỉa hè chưa đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế

Ảnh chụp thi công thực tế tại hiện trường

Sai sót ở phần lát gạch tự chèn công trình có hơn 9.923m2 cần phải lát gạch tự chèn ở các khu phố thực tế thi công ở đây mặt lát không phẳng để lại nhiều khuyết tật như độ cong vênh, vết lồi lõm ở mặt viên gạch nhiều nơi hơn 1mm, không ít viên sứt vỡ các góc cạnh sau từ 2mm đến 4mm dài từ 5mm đến 10mm, có viên vết nứt dài quá 2cm, sự đồng đều về màu cùng một loại gạch, nhất là độ dày lớp màu của mặt gạch chỉ mang tính chất tráng chứ chưa đủ 7mm theo tiêu chuẩn.

Phần đá lát vỉa hè dày 4cm hơn 2000m2 thực tế tại hiện trường nhiều viên đá lát chỉ dày 3,8% (giảm 5%) lát còn cập kênh nhất là ở phần mũi viên gạch tiếp xúc với viên gạch khác, độ dốc mặt lát đá vỉa hè chưa chuẩn. Phóng viên nghe cách nói ví von của người dân tại tuyến phố có lát đá “cứ gõ thử” đa phần âm thanh không đồng nhất (nghĩa là chưa phẳng của viên đá)mà cứ như âm thanh “đàn đá” vậy, không hiểu sau một thời gian sử đụng thì sẽ bật nảy như thế nào ?

Điều đáng nói ở đây hạng mục nào cũng cứ “ly ty” rút ruột thì nhà thầu chính Công ty TNHH Minh Phương cũng có tiền tỷ, câu nói bức xúc của người dân phố cổ Hưng Yên như giao trách nhiệm cho phóng viên phải cần làm rõ thêm vụ việc ở gói thầu này ! Pháp Luật Plus tiếp tục thông tin về vụ việc. 

Đọc thêm