Hưng Yên: Nghi vấn lọt người lọt tội trong một vụ ẩu đả

(PLO) - Quá hạn và nhiều lần hoãn xử sơ thẩm để bổ sung chứng cứ, nhưng TAND huyện Văn Lâm vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử, phía nạn nhân cũng không nhận được bất cứ thông báo nào về sự trì hoãn này. Vụ án xảy ra năm 2012 còn bị cho là có không ít dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, bỏ lọt người, lọt tội... 
Anh Nguyễn Văn Trường cho rằng người cầm xẻng đánh vào đầu mình là Nguyễn Ích Trọng
Anh Nguyễn Văn Trường cho rằng người cầm xẻng đánh vào đầu mình là Nguyễn Ích Trọng

Nhiều “điểm mờ” quanh vụ án

Phản ánh đến Báo PLVN, ông Nguyễn Đình Chiến (SN 1961, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cho rằng, vụ án “Cố ý gây thương tích” mà hai con trai ông là Nguyễn Văn Trường (SN 1985), Nguyễn Xuân Trình (SN 1988) là nạn nhân, xảy ra ngày 26/11/2012 tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh đang có những dấu hiệu của sự “khuất tất”.

Ngày 26/11/2012, Trường và Trình có đến nhà cậu ruột là ông Nguyễn Đình Thắng để nói chuyện, giải hòa về những mâu thuẫn nhỏ xảy ra ở gia đình, thì bị ba người là Nguyễn Ích Trọng, Nguyễn Ích Trận và Nguyễn Đình Thắng đe dọa, chửi bởi, mạt sát rồi dùng xẻng, tuýp sắt đánh đập. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự căn ngăn của rất đông người dân tại địa phương và nạn nhân được đưa đi cấp cứu. Hậu quả, Trường bị thương tích nặng phần đầu, tổn hại sức khỏe 26,74%, Trình thương tích 4%, để lại cố tật. 

Hành vi của Trọng, Thắng, Trận bị cha nạn nhân cho rằng có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích”, thậm chí là “Giết người”, bởi nạn nhân đã bị tấn công vào đầu bằng hung khí là xẻng và tuýp kim loại. 

Tuy nhiên, không hiểu vì sao cơ quan điều tra lại không khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Vụ việc càng trở nên khó hiểu khi mới đây, tại Kết luận điều tra bổ sung số 01 (ngày 16/2/2016) và Cáo trạng số 24 (ngày 9/3/2016) của VKSND huyện Văn Lâm chỉ xác định và tiến hành truy tố một đối tượng là Nguyễn Đình Thắng?

Cho rằng kết luận của Cơ quan điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, ông Chiến phản ánh: “Sau khi xảy ra việc, các con tôi sức khỏe suy giảm rất nhiều, vì đầu bị chấn thương nên chỉ có thể lao động nhẹ. Việc cơ quan điều tra cho rằng một mình Nguyễn Đình Thắng là thủ phạm gây thương tích cho hai con trai tôi là thiếu sót vì nhiều người làm chứng, trong các đơn tố cáo, tường trình và biên bản lời khai… đều cho rằng Nguyễn Ích Trọng mới là người dùng xẻng gây thương tích cho Trường. Còn Thắng đánh và gây thương tích cho Trình. Thế nhưng, không hiểu vì sao kết luận điều tra lại chỉ truy tố một mình Thắng là bỏ lọt tội phạm”. 

Cần làm rõ các tình tiết quan trọng

Liên quan đến vụ việc, luật sư Đinh Tây Viêm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội -  người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại), nêu quan điểm: Do nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến vụ án không được cơ quan điều tra làm rõ, nên Cáo trạng số 24 chỉ tiến hành truy tố một mình bị cáo Nguyễn Trọng Thắng là không có cơ sở, bỏ lọt người, lọt tội. Xác định không đúng tư cách của người tham gia tố tụng, vi phạm thủ tục tố tụng, xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. 

Minh chứng cho quan điểm của mình, Luật sư Viêm chỉ rõ: Đại diện VKS cho đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra được căn cứ vì sao cáo trạng chỉ truy tố Thắng tội cố ý gây thương tích. Trái lại, bị hại và hàng loạt nhân chứng đều chỉ rõ Nguyễn Ích Trọng mới chính là người dùng xẻng gây thương tích cho Trường.

Ngoài ra, tại phiên xét xử ngày 25/11/2015, bị cáo Thắng xuất trình 1 ổ đĩa được cho là lưu giữ hình ảnh xảy ra việc xô xát ngày 26/11/2012. Tuy nhiên, vật chứng này vô giá trị bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định không đọc được tài liệu này. Và đối chiếu thời điểm xảy ra vụ án là ngày 26/11/2012 thì đúng 3 năm sau, ngày 25/11/2015, bị cáo mới giao nộp thêm chứng cứ cho cơ quan điều tra (dù chứng cứ này được chứng thực là vô giá trị). Điều này bị cho là thể hiện hành vi khai báo gian dối của bị cáo, gián tiếp làm sai lệch hồ sơ vụ án. 

Luật sư cho rằng VKS cũng bộc lộ sự thiếu khách quan khi xem xét các chứng cứ vụ việc. Hệ lụy là việc xác định hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan chưa đầy đủ, chính xác. Cụ thể, trong sơ đồ hiện trường vẽ lại hoàn toàn không ghi rõ thời điểm (ngày, tháng, năm), không có người làm chứng…Theo khoản 2, khoản 3, Điều 150 Bộ luật Tố tụng Hình sự về khám nghiệm hiện trường, những biên bản thực nghiệm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục. 

Việc làm này của cơ quan điều tra đã dẫn đến quyết định không thấu đáo khi lấy biên bản thực nghiệm cách gần 2 năm sau vụ án xảy ra, làm căn cứ để bác bỏ lời khai của hàng loạt nhân chứng và bị hại, vi phạm thủ tục pháp lý cơ bản. Chưa hết, ngay cả vật chứng như chiếc xẻng gây án được thu thập, phục vụ điều tra cũng không phải là hung khí do đối tượng sử dụng thời điểm năm 2012… 

Người nhà nạn nhân kiến nghị vụ án cần được HĐXX TAND huyện Văn Lâm xem xét khách quan, toàn diện, tránh bỏ lọt tội phạm cũng như tránh nguy cơ gây oan sai cho người vô tội.

Đọc thêm