Nhưng sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thì mới đây, hai nhân chứng từng bị giam cùng buồng với nạn nhân đã có đơn gửi cơ quan chức năng cho biết, thủ phạm chính của vụ án là một người khác chứ không phải Ngô Sơn Tùng.
Cả bị cáo và đại diện bị hại đều cho rằng “bỏ lọt tội phạm”
Theo hồ sơ vụ án, thì vào chiều 25/5/2013, cán bộ phân trại số 2, Trại giam Quảng Ninh cùng phạm nhân Ngô Sơn Tùng (Phó ban tự quản phạm nhân) đi kiểm tra các phòng giam. Khi vào buồng giam II.12, thấy phạm nhân Nguyễn Đức Toàn đứng nói chuyện với phạm nhân khác, Tùng đã bắt Toàn ngồi xổm dưới nền nhà. Sau đó, Tùng dùng chân đạp vào đầu, dùng tay đánh vào vào người Toàn khiến phạm nhân này bị ngã về phía sau, đập đầu xuống nền nhà. Khi Toàn bò về chỗ nằm và ngồi dựa vào cột bê tông trong buồng thì bị Tùng tiếp tục đánh, ngã sang bên cạnh.
Khi phát hiện Toàn bị ngất, cán bộ trực trại đã đưa Toàn đi cấp cứu nhưng do thương quá nặng, Toàn đã tử vong do bij “suy hô hấp tuần hoàn cấp, tụ máu nội sọ gây phù nào, tụt hạnh nhân tiểu não”.
Tuy xác định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn, khắc phục hậu quả, đại diện bị hại xin giảm án, ông nội bị cáo được tặng thưởng Huân chương, Huy chương… nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn bác đơn kháng cáo và y án tử hình đối với Tùng vì cho rằng hành vi phạm tội của Tùng là đặc biệt nguy hiểm và thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.
Đáng nói là ngay tại phiên tòa phúc thẩm thì cả bị cáo lẫn đại diện của bị hại đều đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của cán bộ trại giam và vụ án còn bỏ lọt người phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm cho rằng, căn cứ vào lời khai nhân chứng và tài liệu khác thì không đủ cơ sở xác định có người khác cùng bị cáo Tùng đánh chết anh Toàn.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã từng có văn bản đề nghị Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC xem xét lại vụ án theo quy định. |
Sau khi ra tù, hai nhân chứng đồng loạt phủ nhận lời khai
Sau khi xử phúc thẩm không lâu, ông Ngô Sơn Hà (bố đẻ của tử tù Ngô Sơn Tùng) đã có đơn kêu cứu cho con trai và cho rằng thủ phạm gây ra những vết thương chí mạng cho anh Toàn là phạm nhân Trần Tuấn Hòa (tức Hòa “teo”) chứ không phải Ngô Sơn Tùng.
Ngoài đơn kêu cứu, ông Hà còn gửi kèm đơn tố cáo và tường trình của một số nhân chứng từng bị giam cùng với Tùng và Toàn. Các nhân chứng này đều cho rằng trước đây, trong giai đoạn điều tra và xét xử thì họ đang là phạm nhân và đã bị ép buộc để không khai ra đối tượng Hòa “teo” tham gia đánh nạn nhân ngày 25/5/2013.
Nhân chứng Lương Văn Cường cho biết, khi Tùng vào buồng giam nhắc nhở các phạm nhân thực hiện nội quy thì Toàn đã buông lời khó nghe. Tùng có đá Toàn mấy cái nhưng khi thôi không đánh nữa thì Hòa xông vào, dùng chân đạp và giậm nhiều lần vào ngực, vào đầu Toàn. Thấy vậy Tùng đã ra can ngăn không cho Hòa đánh Toàn nữa và đưa lọ dầu để mọi người xoa bóp cho Toàn.
Cũng như anh Cường, sau khi chấp hành xong hình phạt tù thì nhân chứng Cao Hoài Văn đã có đơn phủ nhận lời khai trước đây và cho biết, Tùng chỉ đánh Toàn mấy cái rồi bỏ đi. Sau đó, Hòa xông vào đấm đá liên tục vào đầu và ngực Toàn, Khi anh Toàn vùng lên chạy lảo đảo thì Hòa nói “a, con lợn này định chạy à” rồi dùng chân giậm vào đầu Toàn xuống nền xi măng. Khi Toàn bị bất tỉnh thì anh Văn và một số phạm nhân khác đã lấy dầu xoa bóp cho Toàn. Nhưng sau đó, Hòa vẫn lao lên tầng 2 cầm ổ khóa cửa đánh vào đầu và lưng Toàn.
Đặc biệt, anh Vũ Đình Tuấn (SN 1990, khu 7 phường Cao Xanh, Hạ Long, Quảng Ninh, từng bị giam cùng khu với Tùng và Toàn) cũng có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng và cho biết, “tôi đi cùng Hòa “teo” lên tầng 2 và đứng xem mọi người xoa bóp cho Toàn. Hòa cho rằng Toàn giả vờ bị thương nên đã ghì cổ Toàn xuống và dùng khóa buồng đập liên tiếp vào lưng Toàn. Toàn đổ vật người ra nằm thở dốc dưới sàn. Hòa tiếp tục dùng chân day đi day lại vào mặt Toàn. Được các phạm nhân khác can ngăn nên Hòa dừng lại. Sau đó tôi trở về buồng của mình”.
Đánh giá về các chứng cứ trên đây, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi) cho rằng, với những lời khai mới của hai nhân chứng của vụ án và đơn tố giác của một phạm nhân cùng trại giam trên đây thì có thể coi những lời khai trước đây của chính những nhân chứng này là sai sự thật. Đây được coi là tình tiết mới, làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, giúp xác định rõ thủ phạm chính của của vụ án…Theo quy định thì Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị vụ án này theo thủ tục tái thẩm để Hội đồng thẩm phán TANDTC đánh giá, xem xét về những tình tiết mới của vụ án này.