Một số thành tựu đạt được
Tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp, thủy sản là 12.223 tỷ đồng, đạt 100,97% KH (KH:11.613 tỷ đồng), tăng 3,5%. Cơ cấu kinh tế theo lĩnh vực Trồng trọt - Chăn nuôi, Thủy sản - Dịch vụ nông nghiệp: 41,65% - 56,27% - 2,08% (tương ứng năm 2017: 43,55% - 54,40% - 2,05%).
Cụ thể, về trồng trọt, toàn tỉnh chuyển đổi khoảng 2600 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nâng tổng diện tích lúa đã chuyển đổi lên 11.700 ha; xây dựng được 82 cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích là 1.731 ha; xây dựng 3 mô hình ứng dụng công nghệ Nano bạc để hạn chế tác hại của côn trùng, chống rụng quả và nứt quả trên cây nhãn; tổ chức 45 lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong gieo, cấy giống lúa mới, thâm canh cây vụ đông cho trên 7.500 nông dân; tổ chức 6 hội nghị hội thảo đầu bờ về sản xuất tập trung, đã lựa chọn được 03 giống lúa có triển vọng để đưa vào sản xuất thử trong năm 2019.
|
Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên |
Liên quan đến công tác bảo vệ thực vật, Sở đã tổ chức 63 lớp tập huấn về công tác bảo vệ thực vật cho 3.150 người; triển khai 32 mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, rau màu, dược liệu và cây ăn quả; tổ chức phân loại 50 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; đã kiểm tra trên 380 nghìn tấn nguyên liệu của 40 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, đại lý hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, phát hiện 16 loài côn trùng hại kho thông thường.
Về chăn nuôi, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi: đã bình tuyển 14.500 lợn nái ngoại, 203 lợn đực giống, 1.600 con bò sữa, 4 cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo lai đủ điều kiện sản xuất con giống; tổ chức 2 đợt kiểm tra, lấy 35 mẫu thịt, 15 mẫu nước tiểu và 102 mẫu thức ăn để kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, công tác thú y cũng được chú trọng, thực hiện tốt. Vì vậy, trong năm 2018, không xảy ra một số bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh tai xanh ở lợn.
Ngoài ra, trong năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên năm 2018. Theo đó, các huyện, thành phố đã huy động khoảng 4.428,1 tỷ đồng, đầu tư hoàn thành 35 công trình trường học, cải tạo, nâng cấp trên 70 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, bình quân toàn tỉnh đạt 18,5 tiêu chí/xã, tăng 0,8 tiêu chí so với năm 2017; không có xã dưới 15 tiêu chí; có 117 xã (chiếm 80,7%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Mỹ Hào đã được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; hướng dẫn huyện Văn Giang và thành phố Hưng Yên hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh thẩm tra huyện nông thôn mới, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lồng ghép các chương trình, đề án, dự án gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng mô hình liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của người nghèo trên địa bàn tỉnh; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,75% (năm 2017 là 3,41%) và cơ bản không còn tình trạng tái nghèo.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhìn chung còn chậm; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản chế biến còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất ở một số địa phương còn chưa sâu sát, không đảm bảo kế hoạch. Công tác điều tra, giám sát dịch bệnh, kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng giết mổ và chế biến gia súc ốm chết còn diễn ra, kiểm soát chưa quyết liệt, kịp thời.
|
Sở NN &PTNT tỉnh Hưng Yên |
Trao đổi với PV Báo PLVN, ông Đỗ Minh Tuân – Giám đốc sở NN& PTNT cho biết: Trong năm 2019, Sở đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên.
Cụ thể, Sở tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch ngành nông nghiệp đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch vùng, lãnh thổ với quy hoạch ngành, lĩnh vực với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; từng bước phối hợp xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa; tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; tăng cường liên kết sản xuất, theo hướng thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.