Hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại để... “né lỗi” -chuyện buồn ở Quảng Nam?

(PLO) - Sau khi báo PLVN có bài phản ánh việc gia đình bà Bùi Thị Nuôi (tổ 14, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình - Quảng Nam) bị cơ quan chức năng đo sai diện tích đất ở, UBND huyện Thăng Bình đã bất ngờ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã ban hành trước đó. 
Tiến độ thi công dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi cũng bị ảnh hưởng vì khiếu nại của gia đình bà Nuôi chưa giải quyết xong

Tuy nhiên, cho đến nay, khiếu nại của người dân vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, sự việc vẫn tiếp tục tồn đọng, vừa đe dọa tới cuộc sống, sinh hoạt của gia đình bà Nuôi vừa làm ảnh hưởng tiến độ thi công của dự án liên quan…

Chọn lỗi nhỏ “che” lỗi lớn?

Cụ thể, tại Quyết định số 1579 (ngày 14/7/2018), ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình ký hủy bỏ Quyết định 1287 về giải quyết đơn khiếu nại (lần thứ nhất) của gia đình bà Bùi Thị Nuôi, cũng do chính ông ký ban hành vào ngày 24/5/2018. 

Lý do được văn bản này đưa ra là “trong quá trình giải quyết khiếu nại có sai sót, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”. 

Theo đó, phía chính quyền cho rằng, tại buổi đối thoại với hộ dân để giải quyết đơn thư vào tháng 4/2018, đại diện UBND huyện Thăng Bình “không yêu cầu đại diện của bà Bùi Thị Nuôi là ông Huỳnh Hữu Bửu và ông Trương Văn Thân (2 con trai) cung cấp giấy ủy quyền”. Điều này không đúng thủ tục giải quyết khiếu nại, nên chính quyền hủy bỏ quyết định đã ban hành để xem xét lại việc giải quyết đơn thư.

Phản hồi nội dung này, ông Huỳnh Hữu Bửu (con trai bà Nuôi) chia sẻ, có 2 điều ông chưa đồng tình.

Thứ nhất, cơ sở để chính quyền đưa ra quyết định 1579 hủy quyết định 1287 không hợp lý. Bởi việc đối thoại đã diễn ra từ tháng 4/2018. “Tại buổi làm việc đó, ông Nguyễn Văn Hương, Phó chủ tịch huyện đã chỉ đạo cơ quan tham mưu kiểm tra lại kết quả đo đạc, và đối chiếu số liệu. Trên cơ sở đó, ông Hồng Quốc Cường mới ký Quyết định 1287. Cho nên, việc chính quyền vịn vào một thao tác có tính thủ tục, là trình giấy ủy quyền tại một buổi đối thoại, để ra quyết định hủy quyết định giải quyết khiếu nại đã có là không hợp lý. Phải chăng họ đang cố tình né tránh lỗi đã làm sai”. 

Ngoài ra, ông Bửu còn thắc mắc, việc lãnh đạo địa phương ban hành quyết định rồi tự tay mình ký hủy quyết định đó khiến người dân thấy khó thuyết phục. Nếu lãnh đạo các địa phương cứ ra các quyết định ảnh hưởng đến đời sống người dân, rồi lại tự hủy bỏ mà không chịu sự giám sát, trách nhiệm nào, thì liệu người dân có còn tin tưởng vào những quyết định của cơ quan nhà nước nữa hay không?

Thứ hai, một quyết định đưa ra sau một quá trình điều tra, rà soát mà lại sơ hở ở ngay thủ tục ban đầu, phải chăng là do sự yếu kém, lỗ hổng về quản lý. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những quyết định đưa ra bị sai lỗi như vậy? Không thể ban hành rồi hủy bỏ quyết định đơn giản như xóa một lỗi chính tả trong bài tập học sinh như vậy?

Người dân vẫn tiếp tục đợi

Trong khi đó, theo gia đình bà Nuôi, dù đã ra quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại nhưng sự việc của gia đình bà vẫn tiếp tục “dậm chân tại chỗ”, vừa ảnh hưởng tới tiến độ thi công của dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đi qua địa phương vừa gây căng thẳng, ức chế cho mọi thành viên gia đình, đe dọa ảnh hưởng cuộc sống khi mùa mưa bão đã cận kề mà nhà vẫn chưa giải tỏa, xây dựng xong.

“Khiếu nại của gia đình tôi là đề nghị chính quyền xem lại việc đo đạc diện tích đất giải tỏa. Vì sao công bố con số diện tích sai lệch so với thực tế, và mức áp giá đền bù giải tỏa không hợp lý. Những việc này, đều do chính quyền thực hiện và làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, cụ thể, thiếu đi 115,8 m2 đất ở của gia đình tôi trên giấy tờ”. 

“Với Quyết định số 1287, chính quyền đã không thừa nhận sai sót, phủ quyết đơn khiếu nại của mẹ tôi. Nhưng vì sao chính quyền không thừa nhận cái sai đó, mà lại vịn vào một cái cớ không thỏa đáng để biện luận cho hành vi của mình?”. Ông Bửu nói.

Ông Bửu cũng cho rằng, vụ khiếu kiện đã kéo dài quá lâu, đến nay, gia đình ông vẫn phải đợi, là khó chấp nhận được. 

Bản thân mẹ ông là bà Bùi Thị Nuôi, nay đã 95 tuổi, sức khỏe rất kém. Chính vì thấy mẹ già cả mà vẫn theo vụ kiện, bản thân ông ở xa cũng phải bỏ công việc để về phụ giúp làm giấy tờ hồ sơ, đặc biệt, không để bà Nuôi bị “o ép”. Đa phần con cái trong gia đình đều bị ảnh hưởng cuộc sống từ việc giải tỏa nhà. 

Mùa mưa lại đã cận kề, nếu không nhanh chóng xử lý, gia đình không thể kịp xây cất lại nhà mới để bình ổn lại cuộc sống. Do đó, ông mong có sự can thiệp giải quyết từ các cơ quan thẩm quyền cấp cao hơn để mang lại công bằng cho gia đình, đặc biệt cho người mẹ già đã tuổi cao sức yếu.

Đọc thêm