Bi tráng “làng Quảng Trụ”
Thời chiến tranh, làng Quảng Trụ là rừng núi hoang vu. Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc hàng trăm người dân di cư từ huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) về đây sinh sống.
Trên những chuyến xe ấy, có nhiều gia đình đầy đủ các thành viên nhưng cũng có không ít đứa trẻ mồ côi cha, mồ côi mẹ; những người mẹ mất chồng, mất con do bom rơi đạn lạc… Họ được đưa về ngôi làng mới nằm cách xa nơi “chôn nhau cắt rốn” hàng trăm km. Cùng nhau dựng nhà, lập làng, trồng lúa, ngô, sắn.
Cụ ông Lưu Văn Hội (SN 1932, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi, hội viên Hội Cựu chiến binh) chia sẻ: “Tôi còn nhớ có tổng cộng 21 xe, chở khoảng 600 nhân khẩu với 120 hộ dân từ huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) vào đến đây lúc 1 giờ đêm.
Tất cả chúng tôi được cho ở tập thể, có 2 mái nhà tôn và 3 mái nhà dù. Có thời gian nước ngập làng, dân chúng tôi phải chuyển lên rừng ở, nước rút chúng tôi lại quay về. Chiến tranh khốc liệt, người chết vì đói, vì đau ốm không có thuốc chữa rất nhiều. Khổ quá, dần dần, mọi người bỏ đi nơi khác hết, chỉ còn lại 27 hộ dân bám trụ lại mảnh đất này”.
Cũng theo cụ Hội, nơi những người dân di cư từ đất Quảng đến sinh sống được gọi là thôn 4H10. Sau 7 năm, ở đây chỉ còn 27 hộ dân sinh sống. “Lúc này, cách mạng tăng cường cử cán bộ xuống động viên bà con trong làng không đầu quân cho giặc Mỹ. Ý trí như được chắp thêm đôi cánh, chúng tôi quyết tâm “một tấc không đi một ly không rời”, bám trụ trên mảnh đất này hoạt động cách mạng.
Đàn ông lớn tuổi thì tham gia du kích, trinh sát…còn đàn bà thì ngày trú ngụ, tối đến cùng nhau tham gia sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Bà con nơi đây hay gọi làng với cái tên “làng Quảng Trụ” là như vậy. Quảng tức là Quảng Nam. Trụ là kiên quyết bám trụ” – Cụ hội chia sẻ thêm.
Sau khi chính quyền địa phương thành lập, bà con đều mong muốn được lấy tên Quảng Trụ để đặt cho thôn. Tuy nhiên, nhằm thể hiện sức mạnh dân tộc trong thời bình, làng đã được chính quyền chính thức lấy tên thôn Đoàn Kết 1.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Trọng (Chủ tịch UBND xã Buôn Triết) cho biết: “Cái tên làng Quảng Trụ được người dân sử dụng để nói về thôn Đoàn Kết 1 trước kia. Làng là căn cứ cách mạng, số gia đình và người có công với cách mạng nhiều nhất xã. Theo thống kê, hiện nay thôn có 26 gia đình chính sách. Trong đó, có 18 gia đình liệt sĩ (hai gia đình được nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng); 6 gia đình có công với cách mạng; 2 thương binh”.
Ông Lê Văn Thao cùng đứa con gái mắc bệnh tâm thần |
Cả làng chạy giặc
Bà Võ Thị Đỗ (SN 1940, ngụ thôn Đoàn Kết 1) kể: “Cuối năm 1965, quân Mỹ liên tục vào làng thăm dò, truy quét. Thấy người thì chúng bắn, chúng giết, không thấy ai thì chúng đốt, phá nhà, phá rẫy của bà con. Chúng tôi chỉ còn biết chạy trốn vào rừng ở trong những ngôi nhà dã chiến. Cứ thế, nơi này lộ thì bà con chạy trốn đi nơi khác.
Muốn làm gì cũng chờ đêm tối mới dám ra ngoài. Cán bộ nằm vùng về làng, bà con phân công mỗi nhà nuôi dấu cán bộ vài ngày, dân ăn gì cán bộ ăn đó. Không có cơm ăn, chỉ có đọt dừa, măng luộc, chuối non, môn nước, thấy gì ăn được thì chúng tôi ăn tạm thứ đó. Không có muối, chúng tôi đốt rễ tranh làm muối ăn với rau luộc lấy sức qua ngày, chứ không hề biết đến cái no là gì”.
Còn cựu chiến binh Ôn Văn Hà (SN 1940, ngụ thôn Đoàn Kết 1) cho biết: “Mỗi lần bà con di tản, chúng tôi lại cùng nhau làm mấy chục mái nhà dã chiến trong rừng. Rồi đàn ông đi chiến đấu, canh gác…đàn bà, trẻ con dã gạo, vót trông phục vụ cách mạng. Có những người làm công tác định vận (vận động những người Việt đầu quân cho địch trở về với cách mạng) bị bắn chết”.
Cụ thể, đó là trường hợp gia đình ông Đặng Văn Thao, có mẹ là bà Phùng Thị Loan nuôi dấu cách mạng, hy sinh trong khi làm công tác địch vận. Điều đáng nói, hiện nay, ông Thao có 7 người con, trong đó có 3 người con dù đã lớn nhưng tâm thần không bình thường. Nhiều người nghi khả năng lớn do nhiễm chất độc da cam từ mẹ.
Chúng tôi đến thăm cụ Lê Văn Ngôn (SN 1937, ngụ thôn Đoàn Kết 1), trông dáng vẻ cụ hao gầy vì tuổi tác nhưng đôi mắt cụ vẫn sáng ngời niềm tự hào. Chúng tôi được biết, cụ là thương binh hạng 4/4, vừa được người nhà đưa đi khám chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh về. Tuy nhiên, ngồi tâm sự với chúng tôi, cụ vẫn không ngần ngại sẻ chia một cách say mê về những ngày chiến đấu đầy hiểm hách trong bom đạn.
Cụ Ngôn từng nhiều năm là đội trưởng đội trinh sát A2H10. Nhớ về quá khứ hào hùng, cụ bồi hồi kể: “Theo chính sách di dân từ Quảng Nam vào đây sinh sống, được sự soi sáng của cách mạng, năm 1963, tôi với nhiệm vụ là đội trưởng đội trinh sát A2H10, cùng khoảng 30 đồng chí, đồng đội chúng tôi luôn xung phong đi đầu “mở đường máu” cho quân ta tiến vào mặt trận”.
Cụ Ngôn cho biết, trong đó, khốc liệt nhất là chiến dịch Mậu Thân 1968 và trận chiến mang tính chất một mất một còn mùa Xuân 1975. Trong chiến dịch Mậu Thân, nhận thấy đây là thời cơ chiến lược, dù Đảng ta đã dồn lực đánh một trận quyết liệt, mang tính bước ngoặt, nhưng do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá lớn nên hiệu quả không cao.
“Tôi bị thương nặng, các đồng chí, đồng đội hy sinh nhiều. Sau 3 tháng dưỡng thương trong rừng trở về, tôi kiên quyết cùng đồng đội tiếp tục cầm súng. Sau ngày giải phóng TP.Buôn Ma Thuột, quân ta tổ chức lực lượng chiến đấu tại huyện Lắk (khi ấy gọi là quận Lạc Thiện), ngăn chặn không cho địch tháo chạy về Đà Lạt. Khoảng 8h, ngày 20/3, quân ta đã hoàn toàn làm chủ huyện Lắk, bắt sống nhiều tên địch, thu giữ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác”, cụ Ngôn kể.
Đại thắng mùa Xuân 1975 có ý nghĩa lớn lao, là niềm tự hào của dân tộc ta. Còn riêng đối với cụ Ngôn thì là một sự thỏa lòng. Sau ngày giải phóng, cụ Ngôn tiếp tục cống hiến cho cách mạng, làm xã đội trưởng xã Liên Sơn nhận nhiệm vụ truy quét Fulro.
Vợ chồng Thương Binh Lê Văn Ngôn vui vẻ kể lại |
Là người dân Việt Nam, không ai không biết đến tinh thần hào hùng cũng như sự khốc liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, nếu một lần được nghe hồi ức của những nhân chứng sống, những người lính một thời đối mặt với quân giặc trên chiến trường, chúng ta sẽ thêm yêu và trân trọng đất nước và con người Việt Nam hôm nay.