Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội
Trong một báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây chưa lâu, VNREA khẳng định, gần đây xuất hiện những dấu hiệu tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực cho thị trường BĐS. Ví dụ, cơ cấu hàng hóa giữa nhu cầu thực tế và nguồn cung thị trường có sự mất cân đối, tồn tại tình trạng phát triển ồ ạt các dự án tại thành phố lớn mà không căn cứ vào kế hoạch, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại từng thời điểm, hệ thống thông tin, dữ liệu thị trường BĐS vẫn chưa được cải thiện, các dự báo về thị trường thiếu và không sát thực tế, ảnh hưởng lớn tới sự điều hành của Chính phủ và các quyết định của chủ đầu tư trở nên thiếu chính xác, nhiều rủi ro.
Theo VNREA, đây cũng chính là những nguyên nhân gây ra khủng hoảng của thị trường BĐS giai đoạn 2009-2013 mà chúng ta đã rút ra và có những điều chỉnh, tuy nhiên, chính sách điều chỉnh đó không được tiếp tục duy trì và kiểm soát phát triển một cách hiệu quả dẫn đến có nhiều rủi ro cho thị trường.
Vì thế, VNREA cho rằng, để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, qua đó cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở. Tuy vậy, mặc dù có định hướng, chính sách song chưa có quy định cụ thể và chưa được bố trí nguồn nên các chính sách này vẫn chưa đi vào thực tiễn. Vì thế, Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thúc đẩy việc bố trí vốn phát triển NOXH và kiên trì thực hiện chính sách đã được nêu ra tại Luật nhà ở cũng như các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Đặc biệt, VNREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư diện tích dưới 75m2), giá bán thấp (dưới 15 triệu đồng/m2).
Theo đó, các cơ chế đề xuất gồm: Giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần có chương trình, kế hoạch không chỉ phát triển nhà ở chung chung mà cần xác định rõ tỷ trọng NOXH, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp với diện tích, khu vực cụ thể.
Có thể thí điểm Quỹ Đầu tư Bất động sản trong năm 2017
Tại Hội nghị thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam lần thứ 1 diễn ra mới đây, trước ý kiến về việc Hiệp hội cần lên tiếng mạnh mẽ để có thêm nguồn vốn hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, qua đó các doanh nghiệp cũng bớt khó khăn, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch VNREA - phân tích, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội (NOXH) của Chính phủ đã quy định hai nguồn vốn để phát triển NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Như vậy, thay cho gói 30.000 tỷ đồng, sẽ có 2 gói vay không giới hạn quy mô, thời gian vay với lãi suất thấp dành cho người mua NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ. Người có nhu cầu mua NOXH có thể yên tâm.
Tuy nhiên, mặc dù cơ chế, chính sách đã có nhưng sở dĩ đến thời điểm này nguồn vốn cho nhà ở xã hội vẫn “nằm trên giấy” bởi nhiều nguyên nhân. Về phía VNREA để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị triển khai các luật cụ thể để cho ra đời nguồn vốn cho nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, khả năng năm 2017 sẽ có dòng tiền cho phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, trong thời gian tới Hiệp hội cũng đặt mục tiêu cho ra đời thí điểm Quỹ Đầu tư Bất động sản để có một kênh huy động vốn độc lập cho thị trường BĐS mà không phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng, trong đó có nguồn vốn cho người nghèo.