Hy hữu vụ án “bồi thường nhầm” nhiều năm chưa thể kết tội

(PLO) -Đất và tài sản nằm trong dự án khu công nghiệp bị giải tỏa, hai chị em bà Sáng và ông Tài ký giấy nhận bồi thường, giao mặt bằng. Sau 5 ngày giao tiền, công ty đầu tư lại phúc tra, tự ý hạ số tiền bồi thường và đòi lại số tiền cho rằng trả dư. Chị em bà Sáng không đồng ý thì bị bắt tạm giam, truy tố ra tòa.
Bà Sáng khẳng định mình nhận tiền bồi thường theo đúng thỏa thuận và bị khởi tố oan
Bà Sáng khẳng định mình nhận tiền bồi thường theo đúng thỏa thuận và bị khởi tố oan

Đó là tình cảnh của bà Phạm Thị Sáng (SN 1962) và em trai Phạm Văn Tài (SN 1970, ngụ ấp 4, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Cả hai đều bị truy tố về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Số tiền chiếm giữ lên đến hơn 3,3 tỷ đồng (trong tổng số 4,9 tỷ đồng trước đó bà Sáng và ông Tài nhận được từ việc bồi thường đất và tài sản trên đất trong dự án Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông (thuộc xã Đức Hòa Đông).

Bồi thường “nhầm” đến 3,3 tỷ?

Theo tường trình của bà Sáng, cha bà có 2ha đất. Năm 2006, bà thuê lại của cha và thêm 1ha của người dì ở cạnh bên để trồng cây. Trên 3ha đất, bà Sáng lên liếp, sang lấp trồng 38.000 cây mai vàng làm kiểng và xen kẽ gần 10.000 cây gỗ các loại khác như dầu, tràm bông vàng... Năm 2012, cha bà Sáng chia 2ha đất cho 6 người con, tuy nhiên cây trên đất vẫn thuộc về bà Sáng, không xảy ra tranh chấp.

Năm 2007, UBND tỉnh Long An đồng ý cho Công ty TNHH Hải Sơn (Cty Hải Sơn) đầu tư Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông với diện tích 297ha. Đất nhà bà Sáng nằm trong dự án này.

Tháng 10/2012, Cty Hải Sơn ký hợp đồng mời Trung tâm dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) kiểm kê tài sản, lập phương án bồi thường. 

Hai bảng chiết khấu tiền bồi thường tài sản chênh lệch đến 3,4 tỷ đồng
Hai bảng chiết khấu tiền bồi thường tài sản chênh lệch đến 3,4 tỷ đồng

Bà Sáng kể: “Trong suốt quá trình kiểm kê tài sản, chủ yếu là cây, gia đình tôi không được tham dự. Chỉ có Cty Hải Sơn và đoàn liên ngành của chính quyền đi đếm số lượng cây và tài sản. Sau khi lập biên bản về số lượng cây, Cty Hải Sơn cho gia đình chúng tôi ký vào. Chúng tôi không có ý kiến gì”.

Từ 10/2012 đến 10/2013, Cty Hải Sơn mời bà Sáng, ông Tài ra UBND xã làm việc, cam kết không khiếu nại, khiếu kiện về phương án bồi thường thì sẽ giao bảng chiết khấu, giao tiền bồi thường. 

Ngày 19/12/2013, bà Sáng, ông Tài được mời lên trụ sở Cty Hải Sơn viết giấy cam kết không khiếu nại và lấy tiền bồi thường. Căn cứ vào bảng chiết khấu, phần tài sản của bà Sáng là 4,5 tỷ đồng, cùng tiền đất của ông Tài (được chia 2.000m2 trong số 2ha), tổng cộng là 4,9 tỷ đồng. Do trước đây bà Sáng có ủy quyền cho ông Tài nên ông Tài là người ký nhận toàn bộ số tiền trên.

Cty Hải Sơn yêu cầu bà Sáng, ông Tài giao mặt bằng trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau khi giao tiền, Cty Hải Sơn kết hợp với UBND huyện Đức Hòa lại phúc tra toàn bộ tài sản trên đất của bà Sáng, sau đó ra quyết định điều chỉnh về số tiền bồi thường. 

Cụ thể, số lượng cây trồng trên đất không thay đổi nhưng phân loại về chất lượng cây thay đổi, khiến số tiền bồi thường tài sản trên đất giảm 3,4 tỷ đồng xuống còn gần 1,1 tỷ đồng. Tiền bồi thường đất cho ông Tài tăng lên được hơn 100 triệu đồng.

Căn cứ vào quyết định điều chỉnh trên, Cty Hải Sơn mời bà Sáng, ông Tài đến làm việc, yêu cầu trả lại số tiền dư là hơn 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giao quyết định bồi thường điều chỉnh này chỉ có ông Tài nhận được, bà Sáng không hề biết cho đến khi ông Tài bị bắt tạm giam.

Nói thêm về việc phúc tra tài sản trên đất, vào giữa năm 2013, trước khi trả tiền cho người dân, Cty Hải Sơn đã có văn bản gửi UBND huyện Đức Hòa xin phúc tra nhưng UBND huyện Đức Hòa từ chối. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, khi giao tiền được 4 ngày, Cty Hải Sơn lại xin được việc phúc tra như trên?

4 lần ra cáo trạng, 3 lần xét xử vẫn chưa thể kết tội

Không đòi được tiền, Cty Hải Sơn trình báo Công an huyện Đức Hòa và cho rằng bị ông Tài chiếm giữ số tiền bồi thường dư. Ngày 29/7/2014, Công an huyện Đức Hòa bắt tạm giam ông Tài. 

VKSND huyện Đức Hòa 4 lần ra cáo trạng cho rằng ông Tài chiếm giữ trái phép tài sản
VKSND huyện Đức Hòa 4 lần ra cáo trạng cho rằng ông Tài chiếm giữ trái phép tài sản

Ngoài ra, CQĐT còn bắt tạm giam ông Đặng Công Thủy (SN 1981) nhân viên của Trung tâm dịch vụ tư vấn nhà đất vì cho rằng người này kiểm kê sai dẫn đến thiệt hại cho Cty Hải Sơn.

Ông Tài bị tạm giam 6 tháng, ông Thủy tạm giam 9 tháng, nhưng 3 lần đưa ra xét xử, TAND huyện Đức Hòa đều không kết tội được và trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, nhất là việc thẩm tra lại tài sản của bà Sáng.

Sự việc kéo dài đến nay là hơn 2 năm. Tuy nhiên, CQĐT và VKS không thực hiện việc này. Lần gần đây nhất, vào 8/2016, vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử nhưng cũng buộc phải hoãn vì bà Sáng có đơn khiếu nại cáo trạng.

Bà Sáng kể: “VKS huyện Đức Hòa 4 lần ra cáo trạng, liên tục thay đổi số tiền mà họ cho rằng Tài chiếm giữ, từ 3,3 tỷ đồng xuống 37 triệu đồng, rồi lên lại 3,3 tỷ đồng tiếp tục hạ xuống 37 triệu đồng. Phần tôi, mới bị khởi tố vào năm 2016. Trong việc khởi tố tôi, họ hợp thức hóa thủ tục rất nhanh.

Tiền mà Tài ký nhận và sau đó giao cho tôi, tôi mang đi trả nợ hết. Biết Tài không có tài sản để trả lại nên trong một tuần, Cty Hải Sơn gửi cho tôi 3 giấy đòi trả lại số tiền trên. Tôi không đồng ý và khiếu nại. Công an dựa vào 3 giấy đòi tài sản trên, cho rằng tôi chiếm giữ tiền trái phép nên khởi tố”.

Bà Sáng cho biết: “Tôi không hề chiếm giữ trái phép số tiền trên. Đây là tiền tôi nhận được từ quyết định bồi thường. Gia đình tôi và Cty Hải Sơn thỏa thuận được mức bồi thường và có ký tên vào tất cả giấy tờ. Còn Quyết định điều chỉnh có sau này là do Cty Hải Sơn đơn phương thiết lập cùng với chính quyền, chứ không hề có sự đồng ý của tôi và Sáng. Tôi không đồng ý với số tiền bồi thường tài sản là gần 1,1 tỷ đồng trong lần phúc tra”.

Bà Sáng khẳng định sẽ trả lại số tiền bồi thường chênh lệch (nếu có) nếu như Cty Hải Sơn và chính quyền làm rõ, thẩm tra toàn bộ số tài sản của bà là bao nhiêu. Nếu như Cty Hải Sơn buộc gia đình bà trả tiền thì bà sẽ trả lại toàn bộ 4,9 tỷ đồng đã nhận và Cty Hải Sơn phải trả lại đất, tài sản trên đất đúng như hiện trạng ban đầu.

Theo bà, số tài sản, cây cối trên đất sau khi nhận tiền bồi thường 4,9 tỷ đồng xong, bà Sáng không có trách nhiệm chăm sóc nên đến nay đã thất thoát đi nhiều. “Nếu Cty không trả lại tài sản trên đất nguyên vẹn cho tôi thì buộc phải bồi thường những thất thoát đó”, bà Sáng nói.

Còn về việc khởi tố, bắt giam ông Tài và bà Sáng (tại ngoại điều tra), bà Sáng cho rằng CQĐT đã hình sự hóa một vụ án dân sự, đến nay không thể xét xử được nên tìm cách gây áp lực cho gia đình bà Sáng và cố gắng tìm cách quy tội nhằm tránh việc bồi thường oan sai.

Đơn khiếu nại và kêu oan về việc bị truy tố của bà Sáng
Đơn khiếu nại và kêu oan về việc bị truy tố của bà Sáng 

Theo luật sư bào chữa cho ông Tài và bà Sáng, việc CQĐT cho rằng quyết định điều chỉnh tiền bồi thường có hiệu lực pháp luật là “hoàn toàn sai”. Luật sư phân tích: thứ nhất, chưa hề có một bản án, kết luận nào cho thấy ông Thủy, người kiểm kê tài sản là sai, là phạm tội.

Vì vậy, tiền bồi thường 4,9 tỷ đồng của ông Tài, bà Sáng theo đúng quy trình bồi thường. Ngoài ra, nếu ông Thủy có sai thì việc bồi thường sẽ là do Trung tâm dịch vụ tư vấn nhà đất chịu trách nhiệm. Bên thứ ba là người dân không gian dối tạo nên sai sót (nếu có) của ông Thủy.

Trong khi tìm hiểu sự việc, PV ghi nhận có ít nhất 10 hộ dân bị buộc phải trả lại tiền bồi thường vì Cty Hải Sơn dựa vào quyết định phúc tra tài sản, quyết định điều chỉnh bồi thường và cho rằng chi trả dư. 

Một số hộ dân trình bày sau khi kiểm kê nhà, Cty Hải Sơn chưa chi trả tiền bồi thường đã yêu cầu đập bỏ mới chi trả. Sau khi người dân đập nhà, Cty Hải Sơn quay ngược lại cho rằng không bồi thường vì không có nhà? Việc này khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Đọc thêm