Indonesia chuyển mình sau 72 năm độc lập...

(PLO) - Theo báo Jakarta Globe, ngày 17/8 vừa qua, người dân Indonesia đã tưng bừng tổ chức các hoạt động chào mừng 72 năm độc lập. Sau 72 năm độc lập, “đất nước vạn đảo” này đã chuyển mình trở thành một trong những cường quốc khu vực và hướng đến là cường quốc của thế giới. 
Đài tưởng niệm quốc gia Indonesia tại thủ đô Jakarta
Đài tưởng niệm quốc gia Indonesia tại thủ đô Jakarta

Gia tăng vị thế

Sự chuyển đổi của Indonesia được thể hiện qua một số khía cạnh chiến lược. Thứ nhất, với sự độc lập của Indonesia, vị thế của nước này trong cộng đồng quốc tế đã gia tăng, phù hợp với sứ mệnh tham gia thực hiện trật tự thế giới dựa trên độc lập, hòa bình và công bằng xã hội. Vai trò toàn cầu của Indonesia không thể tách rời chính sách đối ngoại tích cực của đất nước. Indonesia đã rất tích cực trong việc đứng ra tổ chức Hội nghị Á-Phi vào năm 1955. Sau đó, quốc gia này cũng là một trong những thành viên quan trọng sáng lập Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 8/8/1967. 

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã từng nói vai trò quốc tế của Indonesia là xây dựng niềm tin, kiến tạo hòa bình, xây dựng sự đồng thuận và tiếng nói của thế giới các quốc gia đang phát triển. Indonesia đã thể hiện vai trò của mình bằng cách xây dựng sự đồng thuận toàn cầu thông qua một tầm nhìn được phản ánh trong các cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 13 được tổ chức tại Bali vào tháng 12/2007.

Indonesia đã theo đuổi vai trò này bằng cách sử dụng quyền lực mềm để thiết lập một cuộc đối thoại giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Là tiếng nói của thế giới đang phát triển, Indonesia đã khẳng định mình ở nhiều diễn đàn khác nhau như Phong trào Không liên kết, Nhóm các nước đang phát triển (G77), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm các nền kinh tế lớn (G20). 

Phân cấp chính quyền, cải thiện kinh tế

Thứ hai, Indonesia đã chuyển đổi hệ thống chính quyền tập trung sang mô hình phân cấp. Sau những cải cách năm 1998, Tổng thống B.J.Habibie đã biến đổi mối quan hệ giữa các địa phương một cách quyết liệt. Ông đã thông qua Luật số 22 năm 1999 về chính quyền khu vực và Luật số 25 năm 1999 về cân bằng tài chính giữa Trung ương và địa phương.

Tiếp đó, Tổng thống Megawati Sukarnoputri đã sửa đổi các quy định này, thông qua Luật số 32 năm 2004 về chính quyền địa phương và Luật số 33 về Cân bằng tài chính 2004 giữa Trung ương và địa phương. Sau 10 năm, Tổng thống Yudhoyono tổ chức lại các quy định về quyền tự trị khu vực thành ba luật riêng biệt vào năm 2014: Luật số 6 về làng xã, Luật số 22 về bầu cử thống đốc, thủ trưởng huyện và thị trưởng, và Luật số 23 về chính quyền địa phương. Ba quy định này đã chuyển đổi chính phủ Indonesia sang một cơ chế phân cấp hơn. 

Thứ ba, nền kinh tế của Indonesia tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh toàn cầu và khu vực. Cơ cấu kinh tế của đất nước đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng, từ một quốc gia có thu nhập thấp thành một quốc gia có thu nhập trung bình và giờ là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới. Indonesia chú trọng đến việc giảm nghèo, giảm thất nghiệp và phát triển an sinh xã hội. Một mốc quan trọng trong lĩnh vực này là sự ra đời của BPJS Kesehatan - một hệ thống bảo hiểm y tế được coi là lớn nhất trên thế giới - vào ngày 1/1/2014. 

Thứ tư, Indonesia đã trải qua những thay đổi về đời sống chính trị. Dân chủ là sự lựa chọn tốt nhất cho đất nước. Trong những năm đầu của quá trình chuyển đổi dân chủ năm 1998, nhiều kịch bản chính trị nổi lên, một số đề cập đến khả năng chia rẽ đất nước, tuy nhiên Indonesia đã trải qua quá trình chuyển đổi thành công. Năm 2004, cuộc kiểm tra lớn nhất đã được thực hiện thông qua cuộc bầu cử trực tiếp tổng thống và phó tổng thống nước này. 

Cộng đồng quốc tế coi Indonesia là nước dân chủ lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Ấn Độ. Những thành tựu và tiến bộ mà Indonesia đã đạt được trong hơn bảy thập kỷ qua rất quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều thử thách cũng như cơ hội phía trước đang chờ đón đất nước này nếu họ thực sự mong muốn trở thành một cường quốc của khu vực cũng như trên thế giới... 

Đọc thêm