Tiếp nối giá trị truyền thống bằng tư duy công nghệ
Báo Nhân Dân vừa công bố triển khai Dự án “Yêu lắm Việt Nam” - một sáng kiến ứng dụng công nghệ số kết hợp chip NFC (kết nối không dây tầm ngắn) để lan tỏa tình yêu quê hương, quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa và du lịch khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là món quà đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Dự án “Yêu lắm Việt Nam” mở ra một cộng đồng khám phá du lịch số, nơi mỗi người dân đều có thể trở thành một “đại sứ du lịch” thông qua các hoạt động: nhận chứng nhận số khi hoàn thành trạm khám phá tại một tỉnh, thành; chia sẻ hình ảnh, clip trải nghiệm lên mạng xã hội với hashtag #YeuLamVietNam; mời bạn bè quốc tế cùng tham gia hành trình tìm hiểu Việt Nam bằng công nghệ.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Dự án “Yêu lắm Việt Nam” là một phần trong tầm nhìn lớn, biến các nền tảng truyền thông và dữ liệu số thành phương tiện kết nối người dân với giá trị văn hóa, du lịch. “Yêu lắm Việt Nam” không chỉ là một hành trình trải nghiệm mà còn là một công cụ giáo dục công dân số, khuyến khích người trẻ thấu hiểu, trân trọng và tiếp nối giá trị truyền thống bằng tư duy công nghệ.
“Yêu lắm Việt Nam” là một hướng dẫn viên, là một chủ nhà có thể cung cấp rất nhiều thông tin, tích hợp công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI). Thông tin này không cố định mà được cập nhật theo thời gian bởi qua AI, ứng dụng sẽ học được cả những kiến thức, nắm được thông tin đã tương tác trước đó, từ đó, đưa ra những đánh giá, hướng dẫn mang tính cá nhân hóa.
Sau hơn 4 tháng triển khai, đã có hàng chục nghìn lượt “check-in” thành công, chia sẻ hình ảnh của du khách tại các bảng gắn chip công nghệ kết nối không dây trên cả nước. Từ những địa danh thiêng liêng như cột cờ Lũng Cú tại Hà Giang, Hoàng thành Thăng Long ở Thủ đô Hà Nội hay mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc đều đã có sự hiện diện của các trạm tương tác thông minh.
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Với nhiều tiện ích công nghệ mang lại, ngày nay, xu hướng khách du lịch sử dụng nền tảng số, website, mạng xã hội để tìm hiểu thông tin, lựa chọn đặt tour, phòng khách sạn, các dịch vụ vé máy bay, xe buýt, tàu hỏa, vé tham quan… ngày càng trở nên phổ biến. Nhờ sự hỗ trợ của phương tiện số, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, sáng tạo, tiếp cận được rộng hơn, xa hơn, nhiều nguồn khách hơn. Đặc biệt, người đi du lịch cũng thường xuyên để lại bình luận, nhận xét, góp ý về các dịch vụ, du lịch, tăng cường chia sẻ rộng rãi các hình ảnh, video “check-in” tại các điểm du lịch. Sự tương tác này giúp ngành Du lịch nắm bắt tốt hơn nhu cầu của khách để có những thay đổi nhằm nâng cao sự hài lòng của du khách.
Với du lịch, chuyển đổi số là đi đầu, tất yếu và khách quan, yếu tố để phát triển du lịch nhanh và bền vững trong thời gian tới. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong du lịch, Bộ VH,TT&DL đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, phê duyệt, ban hành các Đề án Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Thời gian qua, nhờ những chủ trương, chỉ đạo quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số du lịch có nhiều khởi sắc. Nhiều mô hình du lịch thông minh, nhiều sản phẩm du lịch với hàm lượng công nghệ hiện đại được giới thiệu tại nhiều điểm đến du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước. Chuyển đổi số nhìn từ góc độ du lịch mang đến nhiều hiệu quả rõ nét.
Ông Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, Trung tâm đã triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách, hướng tới áp dụng đồng bộ, thống nhất trong ngành. Nhiều dự án triển lãm trực tuyến “Vibrant Vietnam” trên nền tảng số Bảo tàng văn hóa trực tuyến hàng đầu thế giới “Google Arts & Culture” đã được triển khai góp phần lan tỏa sức hấp dẫn của văn hóa, nghệ thuật, du lịch Việt Nam. Dự án “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 35 triển lãm trực tuyến và hơn 1.300 bức ảnh về điểm du lịch nổi tiếng, các di sản, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Việt Nam được các đơn vị phối hợp thực hiện. Các triển lãm này đã tôn vinh các thắng cảnh tự nhiên, di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận của các địa phương: Quảng Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam…
Năm 2024, ngành Du lịch phục hồi ngoạn mục khi đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng và là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong 3 tháng đầu năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, tổng lượt khách quốc tế trong quý I/2025 đạt trên 6 triệu lượt, khách du lịch nội địa cũng đạt khoảng 35,5 triệu lượt, góp phần đưa tổng thu từ du lịch đạt khoảng 242.000 tỷ đồng, tăng trưởng rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Ngành Du lịch phấn đấu đón và phục vụ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2025.