Khẩu trang không khí của tương lai - phát minh mới của “cha đẻ” máy thở MV20

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan Trần Ngọc Phúc được biết đến là “cha đẻ” của chiếc máy trợ thở MV20 - dòng máy thở đa năng đặc biệt điều trị bệnh COVID-19 và máy thở cao tần số cao Hummingbird (HFO) đã cứu sống hàng triệu trẻ sinh non thiếu tháng trên hơn 20 quốc gia.  
Ông Trần Ngọc Phúc- cha đẻ của máy thở MV20.
Ông Trần Ngọc Phúc- cha đẻ của máy thở MV20.

Chuyện chưa kể về máy thở cho bệnh nhân COVID-19

Cho dù xa quê hương đã gần cả một đời người, ông Trần Ngọc Phúc vẫn bền bỉ với những dự án nghiên cứu sản phẩm dành riêng cho người Việt, trong đó phải kể đến máy trợ thở đa năng thích hợp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 Eliciae MV20 sản xuất bởi chính Tập đoàn Metran do ông lãnh đạo.

Năm 2020, kết quả đánh giá từ London về Nhật Bản cho thấy nếu nước này không triển khai máy thở vào điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, tỷ lệ tử vong có thể lên đến con số 400,000 người. Ông Phúc khi đó đã sớm được chính phủ Nhật đặt hàng sản xuất chiếc máy thở đặc trị căn bệnh hô hấp này. Cùng thời điểm đó, ông Phúc cũng được đề nghị thiết kế một chiếc máy thở điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam khi những tiên dự về tình hình dịch bệnh có thể sẽ xấu đi.

Nhà máy sản xuất máy trợ thở MV20 của ông Trần Ngọc Phúc.
Nhà máy sản xuất máy trợ thở MV20 của ông Trần Ngọc Phúc.

“Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, số bệnh nhân tăng nhanh, áp lực sản xuất chiếc máy thở trong thời gian ngắn thúc đẩy tôi cùng đội ngũ Metran càng thêm kỹ lưỡng trong việc tối ưu công đoạn sản xuất, từ kiểu dáng máy, chiếc van không có chi tiết động bên trong dễ sử dụng, cho đến những công nghệ tích hợp, chức năng cần thiết, sao cho an toàn mà vẫn phải tốc độ,” vị lãnh đạo của Metran nhớ lại.

Những yêu cầu then chốt cho chiếc máy thở của người Việt nhanh chóng được ông Phúc và đội ngũ của mình xác định. Tính an toàn cho mọi đối tượng sử dụng, thời gian sản xuất sớm nhất có thể, chi phí thấp để phù hợp với cả các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, và có thể tiến hành sản xuất hàng loạt, trở thành những yêu cầu mang tính nền tảng tạo nên giải pháp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân COVID-19.

Là một đại diện có chuyên môn về kỹ thuật, công nghệ nhưng ông Phúc cho biết Metran cũng gặp khó khăn để hỗ trợ quê nhà Việt Nam về mặt tài chính khi sản xuất máy thở. Do đó, Metran của ông Phúc đã hợp lực cùng các tổ chức, doanh nghiệp ở quê nhà và kết quả là 2,000 máy thở Eliciae MV20 đã được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đặt hàng Metran để tặng Chính phủ, người dân Việt Nam, phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang ngày một cấp bách.

Chia sẻ về tính ưu việt của chiếc máy trợ thở MV20 do Metran sản xuất, ông Phúc cho biết, tính ưu việt của chiếc máy này nằm ở việc ngăn lây nhiễm chéo thông qua tính năng khu biệt những luồng khí có nhiễm virus và dẫn ra bên ngoài. Việc này đảm bảo các bác sĩ và nhân viên y tế trong phòng bệnh an toàn khỏi nguy cơ lây nhiễm virus trong không khí.

Ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Metran Japan, người đóng góp 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam giữa tâm bão COVID-19.

Ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Metran Japan, người đóng góp 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam giữa tâm bão COVID-19.

Khi nhận được cuộc gọi từ các bệnh viện ở miền Bắc Việt Nam báo rằng lượng máy trợ thở đang không đủ, ông Phúc nhận thấy rằng tình hình nước ta đang khó khăn hơn tưởng tượng. Nhà phát minh U80 ngay lập tức quay trở lại tập trung nghiên cứu và phát triển chiếc máy thở dành riêng cho nơi mà ông gọi là “nhà”.

Đã từ lâu, chuyên gia về hô hấp Trần Ngọc Phúc luôn trăn trở về thực trạng các bệnh viện tuyến trung ương quá tải bệnh nhân dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm chéo các bệnh qua đường hô hấp. Đặc biệt, ông còn chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp do lây nhiễm chéo ở Việt Nam cao gấp 16 lần so với Nhật và Mỹ.

Trong quá trình chế tạo máy trợ thở đa năng MV20, ông đã khéo léo cho lồng ghép các chức năng để trong thời kỳ đại dịch thì máy có thể chữa trị bệnh nhân COVID-19, còn thời bình thường là công cụ hữu hiệu cho các bệnh viện tuyến huyện chữa bệnh liên quan đến hô hấp ở mức nhẹ. Khi bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn bệnh chưa trở nặng, áp lực quá tải lên các bệnh viện tuyến TW cũng từ đó được giảm bớt.

Nhà phát minh cho biết thêm, bên cạnh máy trợ thở là công cụ điều trị bệnh, thì vaccine phòng Covid-19 cũng trở thành tâm điểm của cộng đồng trên toàn thế giới bởi khả năng miễn dịch cho mọi người. Trong thời điểm hiện tại, trong bối cảnh các biến chủng của virus khó lường, tỷ lệ lây nhiễm chéo tại Việt Nam hay ở nước ngoài vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, vaccine vẫn là một giải pháp tối ưu.

Khẩu trang không khí làm mát phổi, thậm chí không cần điều hòa

Với Dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc cùng các cộng sự đang sáng tạo ra sản phẩm khẩu trang ứng dụng công nghệ, thoải mái khi trời nóng bức, không gây ngạt thở, có tác dụng làm mát phổi, thậm chí không cần đến điều hóa, qua đó phần nào giúp tiết kiệm điện năng.

Dự án khẩu trang không khí sạch của ông Trần Ngọc Phúc.

Dự án khẩu trang không khí sạch của ông Trần Ngọc Phúc.

Cũng theo nhà phát minh này, khẩu trang có đặc điểm như chất liệu silicon, bộ lọc không khí an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường không khí xung quanh. Khoang khẩu trang tạo áp lực dương, đảm bảo không khi chưa lọc khuẩn không thể xâm nhập vào hệ hô hấp. Mặt khác, thiết bị đi kèm được nối bằng một ống dẫn khí với khẩu trang có tích hợp tia tử ngoại diệt vi-rút bám trên bề mặt cùng khả năng kết nối không dây với điện thoại thông minh.

Tác giả của phát minh mới này chia sẻ, trong tương lai sản phẩm sẽ được bổ sung thêm cảm biến đo áp lực không khí, ô nhiễm không khí, hay thậm chí là thân nhiệt của người sử dụng để tiến hành phân tích.

Chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ thích hợp để kháng vi-rút COVID-19 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5.

Chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ thích hợp để kháng vi-rút COVID-19 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5.

Cũng theo ông Trần Ngọc Phúc, chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ thích hợp để kháng vi-rút COVID-19 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5. Đặc biệt, sản phẩm có tiềm năng hỗ trợ những người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD) giúp họ tự bảo vệ bản thân trong môi trường không khí.

“Tôi mong rằng khẩu trang sẽ sớm trở thành một phong cách (lifestyle) để hành động đeo khẩu trang trở nên phổ biến và gần gũi hơn với mọi người. Chiếc khẩu trang chúng tôi sắp cho ra mắt tạo luồng không khí mát cho phổi, thậm chí không cần đến điều hòa, phần nào giúp tiết kiệm điện năng,” ông Phúc chia sẻ.

Ông Phúc cho biết, ông luôn sẵn sàng kết nối với các đơn vị trong lĩnh vực thời trang có ý tưởng sáng tạo để chiếc khẩu trang xứng tầm đơn vị tiên phong định hình phong cách hoàn toàn mới vì sức khỏe hô hấp.

Đọc thêm