“Kho báu” văn hóa trong đời sống

(PLVN) -  Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có cuộc gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).
Thủ tướng Phạm Minh Chính với Đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín. (Ảnh:xaydungdang.org.vn).

Việt Nam là đất nước có 54 dân tộc anh em. Văn hóa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng, là nguồn lực và “sức mạnh mềm” để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu, để đất nước có bề dày lịch sử, đậm đà bản sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Từ nhận thức này, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ đó, các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Hàng nghìn lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, tổ chức rộng khắp hằng năm trên cả nước và được đông đảo Nhân dân cả nước hưởng ứng, hưởng thụ, cổ vũ để tiếp tục phát huy.

Sẽ rất khó phát triển kinh tế du lịch nếu như nghèo nàn các sản phẩm văn hóa. Nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, một trong những lý do là để khám phá thiên nhiên hùng vĩ, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống.

Cạnh những vấn đề làm được, còn một số điều chúng ta phải tiếp tục lưu ý. Đô thị hóa với tốc độ chóng mặt đã và đang làm một số giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có biểu hiện mai một. Lối sống đô thị được du nhập không chọn lọc, đã bào mòn “hồn làng” một số nơi, một số lúc.

Tại một số địa phương, một số giá trị truyền thống, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức. Một số di sản bị xâm hại, chưa có được những giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Có một số dự án trùng tu, nhưng vội vàng không nghiên cứu kỹ lưỡng, gây nên hệ quả như “phá” di sản.

Nói về đặc điểm văn hóa hữu hình, ngoài những thư tịch, tài liệu còn được lưu giữ trong các viện nghiên cứu, bảo tàng; còn có những “kho báu văn hóa” hữu hình trong đời sống, các làng bản, khu phố; là những già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian xưa nay đã và đang giữ vai trò giữ và “truyền lửa” bảo tồn văn hiến, phát huy văn hóa dân tộc. Không có gì bảo tồn hiệu quả bằng bảo tồn trong Nhân dân. Vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, những người yêu văn hóa dân tộc, bản địa trong dân gian khó thay thế; và vì vậy ngày càng phải được đề cao.

Đọc thêm