Một dẫn chứng đang có tính thời sự là các dinh thự của các đại gia được xây dựng hoành tráng trên các đảo xinh đẹp của vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh). Báo chí đã phanh phui vụ việc này từ hơn 2 năm trước đây và giờ trở lại còn nóng hơn rất nhiều. Những sai trái, vi phạm bị vạch ra thì người ta tìm cách hợp thức hóa ngay, chẳng hạn, thiếu Đánh giá tác động môi trường thì chỉ một ngày sau là đã có.
Những "Chúa đảo" đời mới xuất hiện trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Khó xử vì chạm vào các vị đại gia lắm tiền nhiều của lại có một đội ngũ luật sư giỏi phò tá - nhận định của dân địa phương ở đây là vậy.
Hoặc, kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây ở Bình Định cho thấy việc bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn khá nhiều, thế nhưng, đã có nhiều trường hợp kịp thời bổ sung các tiêu chuẩn thiếu đó. Vậy thì xử lý ai, xử lý cái gì và cũng thật khó xử với những người vi phạm.
Cũng ở Bình Định, dự án tái định cư cho người dân tránh nước lũ triều cường, đầu tư vào đó gần 15 tỷ nhưng từ năm 2011 đến nay mới chỉ có 2 hộ dân đến ở. Những người bị giải phóng mặt bằng là cư dân trước đây quay lại tự ngăn rào, chiếm đất. Đại diện chính quyền sở tại khi được báo chí hỏi thì cảm thấy "khó xử" và cáo từ bằng cách "bận họp". Lãng phí ngân sách và tài nguyên đất đai đến vậy mà không bị xử lý gì cả thì thật là "khó xử"!
Vụ gian lận điểm thi THPT năm ngoái xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang cho đến nay chỉ mới có Hòa Bình là vạch mặt, chỉ tên những cán bộ lãnh đạo có con "bị" nâng điểm, còn Hà Giang, Sơn La vẫn im ắng như không. Hẳn là lãnh đạo 2 tỉnh này lâm vào tình thế khó xử. Tuy nhiên, nếu họ không "tự xử" thì dư luận sẽ xử với bản án chứa đựng sự phẫn nộ rất lớn, chắc chắn là như thế rồi và uy tín của cán bộ, lòng tin của nhân dân đương nhiên giảm sút.
Hà Nội chuẩn bị đưa ra xét xử những cán bộ Thanh tra giao thông nhận hối lộ hàng tỷ đồng để làm ngơ cho xe tải (kiểu như vụ logo "xe vua"). Thủ đoạn ăn hối lộ bị vạch trần và không còn gì để chối cãi vì chứng cứ đã quá rõ ràng. Giá như, trước đó, người ta không "khó xử" với nhau mà ngăn chặn kịp thời thì đâu đến nỗi phải ở tù và mang tiếng ô nhục.
Khó xử lý vì khó xử với nhau, tình anh em, đồng nghiệp, đồng liêu hoặc "há miệng, mắc quai", chia chác, lại quả với nhau rồi thì đến một ngày nào đó sẽ là "dễ xử" đối với Tòa án khi các đối tượng này phải trả giá vì hành vi vi phạm pháp luật của mình.