Đầu voi “nhà thương mại”, đuôi chuột “chợ công ích”
Ý tưởng đưa đến “Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu” (vị trí tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên – PLVN đã có bài phản ánh ở các số báo trước), được Hưng Yên “bật đèn xanh” từ năm 2008. Theo Thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên vào đầu tháng 11/2008, sau khi nghe UBND tỉnh báo cáo, Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án xây dựng chợ và khu nhà ở thương mại, trước mắt thí điểm với dự án ở Khoái Châu và một số nơi khác.
Trong thông báo này cũng nêu rõ “xây dựng cơ chế chính sách, lựa chọn hình thức đầu tư xây dựng phù hợp quy định hiện hành của Nhà nước”. Tuy nhiên trong sự việc này, chủ trương là một việc, các cơ quan thực hiện “phù phép” ra sao lại là chuyện khác.
Trong các văn bản do UBND tỉnh, UBND huyện (chủ đầu tư) và Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hưng Hải (nhà đầu tư) ban hành, lúc nào cái tên “chợ” cũng đặt lên trước tiên, như để nhấn mạnh yếu tố “công ích, công cộng” trong dự án. Thực tế thì đây là dự án đuôi chuột “chợ công ích”, đầu voi “nhà thương mại”. Trong các quyết định, từ phê duyệt quy hoạch, quyết định thu hồi đất, diện tích chợ được nêu rõ “20.462m2 đất chợ để xây dựng công trình chợ”, trong khi tổng diện tích đất thu hồi thực hiện dự án lớn gấp hơn 7 lần (155.165 m2). Chưa hết, trong hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư ký năm 2012, diện tích xây dựng công trình chợ được thể hiện chỉ là hơn 4000 m2 (nhà chợ chính mặt bằng xây dựng 1654m2, các dãy ki ốt mặt bằng xây dựng 2880m2).
Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại địa phương, việc thu hồi hàng chục hec ta đất nhằm “mục đích công ích” xây… một cái chợ xã là bất hợp lý. Ngôi chợ này suốt từ khi xây dựng xong đến nay vẫn lèo tèo kẻ bán người mua, số gian hàng lấp đầy chưa quá nửa. Nhiều hộ dân tại khu vực này vẫn còn sinh hoạt theo kiểu thuần nông, không có nhiều nhu cầu mua bán tại một ngôi chợ như thế.
Điều bất hợp lý hơn nữa, là dự án “phân lô bán nền” lại cứ vin vào cái chợ ấy để vỗ ngực “đây là dự án công ích”, dù thực tế sờ sờ đây là dự án đuôi chuột “chợ công ích”, đầu voi “nhà thương mại” như đã nói. Gần 10 năm nay, những người bị thu hồi đất nhất quyết không chấp nhận “bán đất giá rẻ mạt”, trong khi địa phương cứ khăng khăng “dự án Nhà nước không phải thỏa thuận bồi thường”.
Đến Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, cơ quan chuyên ngành lẽ ra phải nắm rõ vấn đề này nhất, cũng vẫn cứ diễn giải sai lệch bản chất sự việc, đánh tráo khái niệm. Trong một bản báo cáo gửi UBND huyện hồi cuối năm 2014, cơ quan này vẫn nhiều lần nhắc đi nhắc lại chuyện mình đã “tuyên truyền vận động pháp luật” rằng “đây là dự án của Nhà nước nên không có sự thỏa thuận mà đền bù theo đơn giá do UBND tỉnh quy định”, “dự án này do Nhà nước làm chủ đầu tư chứ không phải doanh nghiệp nên không có sự thỏa thuận”.
Không tuân thủ quy định Luật Đất đai
Hợp đồng đấu giá đất nhưng… không thấy căn cứ Luật Đất đai
Một điều rất lạ khác trong dự án này, đó là Hợp đồng kinh tế số 18/2012/HĐKT ngày 20/5/2012 về gói thầu đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật dự án trên (trong cùng một gói thầu) giữa UBND huyện Khoái Châu và Công ty Hưng Hải được lập không thấy căn cứ Luật đất đai.
Một luật gia chỉ rõ: “Nền tảng pháp lý cơ bản không thể thiếu để triển khai loại hợp đồng kinh tế trên, là phải căn cứ vào Điều 58 Luật Đất đai 2003 (quy định các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất), và quy định đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất với quỹ đất được sử dụng để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo Điều 62 Nghị định 181/2004/NĐ-CP”. Theo luật gia này, nếu áp dụng sai pháp luật, hợp đồng có thể vô hiệu, và trong trường hợp này sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Nghiên cứu hồ sơ dự án, đội ngũ luật sư và chuyên gia pháp lý cộng tác với PLVN đều cùng có ý kiến cho rằng dự án trên đã vi phạm Luật Đất đai, “lách luật” quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để mạo danh “dự án Nhà nước”, cố tình thu hồi đất của dân.
Tại thời điểm thu hồi đất để làm dự án, địa phương lẽ ra phải tuân thủ đúng quy định Khoản 1 Điều 38 Luật Đất đai 2003 về trường hợp Nhà nước thu hồi đất “vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”.
Các chuyên gia phân tích đương nhiên dự án này không thuộc mục đích quốc phòng, an ninh. Dự án cũng không thuộc trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, bởi theo quy định của Luật Đầu tư 2005 thì dự án quan trọng quốc gia phải do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu coi dự án này thuộc trường hợp thu hồi đất vì lợi ích công cộng cũng hoàn toàn không thỏa đáng. Khái niệm “lợi ích công cộng” là những lợi ích chung dành cho mọi người và xã hội. Theo quy mô sử dụng đất của dự án, diện tích xây dựng công trình chợ (trên hồ sơ) là 20.462 m2, trong khi diện tích để làm đất ở thương mại, phân lô bán nền lớn gấp nhiều lần. Chưa hết, mục tiêu dự án được phê duyệt tại Quyết định của tỉnh ban hành đã được chính địa phương này miêu tả rất rõ là: “Nhằm đáp ứng nhu cầu đất ở của người dân, nhu cầu giao lưu hàng hóa và các hoạt động dịch vụ thương mại”. Rõ ràng dự án này mang đậm tính thương mại, lợi nhuận, trong khi mờ nhạt tính công ích, cộng đồng.
Theo các chuyên gia pháp lý, thậm chí nếu không xét đến mục đích của dự án, người ta cũng thấy cơ chế triển khai dự án này sai luật. Khoản 1 Điều 62 Nghị định 181/2004 về thi hành Luật Đất đai (bộ luật có hiệu lực tại thời điểm dự án hình thành thực hiện) quy định:
“Việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được thực hiện theo một trong hai hình thức sau:
a) Đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn bằng tiền để sử dụng trực tiếp cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;
b) Đấu thầu xây dựng công trình và đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng công trình đó trong cùng một gói thầu”.
Dự án này đã áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại trong cùng một gói thầu bằng việc ký hợp đồng kinh tế số 18/2012/HĐKT giữa UBND huyện Khoái Châu và Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ Hưng Hải ngày 20/5/2012. Để áp dụng cơ chế này, địa phương phải tuân thủ quy định tại Khoản 5 Điều 62 Nghị định 181/2004: “Hàng năm, UBND cấp tỉnh lập và trình HĐND cùng cấp thông qua danh mục các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được sử dụng quỹ đất để tạo vốn và diện tích khu đất được sử dụng để tạo vốn thực hiện các dự án đó”. Tuy nhiên các căn cứ pháp lý để phê duyệt, triển khai và ký hợp đồng kinh tế thực hiện dự án hoàn toàn không có phê duyệt thông qua danh mục các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của HĐND tỉnh Hưng Yên.
Vin vào việc xây “công trình công ích” là ngôi chợ mái tôn lè tè này, địa phương đã thu hồi hàng trăm ngàn m2 đất để phân lô bán nền. |
Người ta có thể thấy dự án trên có mục đích chính là phân lô, bán nền làm nhà ở thương mại, không thuộc trường hợp áp dụng cưỡng chế thu hồi đất nhưng vẫn bất chấp tất cả để thực hiện, thiếu minh bạch rõ ràng, thiếu căn cứ pháp lý, thì đương nhiên không thể đạt được sự đồng thuận từ phía người dân mất đất. Dự án còn bỏ qua những khâu vô cùng quan trọng như đánh giá tác động môi trường, vì sao “nhùng nhằng” gần 10 năm, nay lại cương quyết đòi cưỡng chế?... PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những sai phạm của dự án này trong các số báo sau.
Xã khăng khăng “mục đích phát triển kinh tế, xã hội”
Sau buổi làm việc bất thành với UBND xã Dân Tiến vì vị Chủ tịch xã đe dọa phóng viên (PLVN đã phản ánh trong các số báo trước), ngày 3/11, PLVN tiếp tục quay lại cơ quan này đề nghị có ý kiến. Buổi làm việc này, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, ông Phan Văn Đạt đã trả lời một số câu hỏi về dự án:
- Thưa ông, mục đích chính của “Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu” là gì?
- Nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo tinh thần nghị quyết của tỉnh ủy, UBND huyện.
- Đây là dự án an ninh quốc phòng, công trình phúc lợi hay dự án thương mại?
- Tôi chỉ trả lời như vậy thôi.
- Phần lớn diện tích đất thu hồi sử dụng vào mục đích gì?
- Một phần diện tích sử dụng vào xây các công trình phúc lợi.
- Diện tích các công trình phúc lợi có nhiều không?
- Cái này các anh hỏi chủ đầu tư dự án.
- Lấy đất phục vụ dự án thương mại, có thỏa thuận không hay áp đặt giá?
- Lại đề nghị các anh vào chủ đầu tư là UBND huyện hỏi cho rõ.
- Người dân cho rằng dự án thu hồi đất giá rẻ mạt, chưa thỏa thuận, không được phép cưỡng chế nhưng vẫn dùng vũ lực cưỡng chế…
- Mời các anh vào UBND huyện.
- Địa phương có nắm được tâm tư nguyện vọng của các hộ dân không?
- Có chứ.
- Nắm được tâm sự nguyện vọng sao vẫn ép dân? Ông có thể nói rõ tâm tư nguyện vọng của dân như thế nào?
- UBND huyện đang lưu tất cả văn bản hồ sơ, các anh vào đấy?