Không có phao cứu sinh, phạt tới 40 triệu đồng

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và giao thông đường thủy nội địa, Bộ GTVT đã đề xuất mức phạt lên tới 40 triệu đồng đối với hành vi không trang bị phao cứu sinh trên tàu.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và giao thông đường thủy nội địa, Bộ GTVT đã đề xuất mức phạt lên tới 40 triệu đồng đối với hành vi không trang bị phao cứu sinh trên tàu.

Không có phao cứu sinh, nguy cơ luôn rình rập hành khách qua sông. Ảnh minh họa.

Phải thành thạo thiết bị cứu hỏa, cứu sinh

Dự thảo nêu rõ, đối với tàu thuyền không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, cứu thủng theo quy định sẽ bị xử phạt  từ 10 - 40 triệu đồng, tùy dung tích tàu thuyền.

Tuy nhiên, đối với những vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ Dự thảo lại đề xuất mức phạt thấp hơn rất nhiều.

Theo đó, phạt  tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc hoặc đối với các hành vi vô ý có thể gây cháy, nổ trên tàu thuyền. Nếu các tàu, thuyền không có các dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn cần thiết ở những nơi dễ cháy, dễ nổ; trang thiết bị cứu hỏa đặt không đúng vị trí quy định trên tàu thuyền; không thực hiện đúng quy trình bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị phòng chống cháy, nổ mức phạt từ 2-5 triệu đồng.

Mức phạt sẽ tăng lên từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi không trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ theo quy định hoặc trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ không sử dụng được.

Đặc biệt, khi thuyền viên không sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, cứu thủng của tàu sẽ bị phạt từ 1-5 triệu đồng.

Nương nhẹ với các lỗi của hành khách

Cũng theo Dự thảo, hành vi chở hàng vượt trọng tải cho phép sẽ bị phạt từ 20 - 80 triệu đồng. Còn hành vi chở khách quá số lượng quy định sẽ bị phạt từ 5 - 80 triệu đồng, tùy số lượng khách chở quá quy định và dung tích tàu thuyền.

Bên cạnh đó, đối với hành vi không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu thuyền chở khách, chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 30 - 100 triệu đồng.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất mức phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với chủ cơ sở, cá nhân hành nghề đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện có hành vi xả chất thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Phạt tiền từ 6 - 7 triệu đồng đối với chủ cảng, bến thủy nội địa hành vi xả chất thải không đúng nơi quy định hoặc gây ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

Tuy đề ra mức phạt khá cao đối với chủ tàu, thuyền và các thuyền viên vi phạm nhưng dự thảo lại khá ưu ái với các lỗi của hành khách. Cụ thể, đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện hoặc không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền trưởng, người lái phương tiện, người vi phạm chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Tương tự, với các lỗi như: mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách hoặc gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện, chế tài cho các hành vi này cũng từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Việt Nga