Không để nhà đất bỏ hoang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước việc vẫn có ý kiến đề nghị áp thuế luỹ tiến từ căn nhà thứ hai, Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp thu; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu khi sửa luật về thuế. Đây có thể là một tin không vui với giới đầu cơ nhà đất, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, trong báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến toàn dân, các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), vấn đề tài chính đất đai, giá đất nhận nhiều góp ý nhất.

Có ý kiến nhân dân kiến nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua nhà thứ hai trở lên và theo thời gian bán bất động sản. Đồng thời, đánh phụ phí cao với bất động sản tại khu vực, TP trung tâm, nhằm hạn chế đầu cơ, nhà hoặc đất không sử dụng.

Báo cáo của Chính phủ cho biết Nghị quyết 18 của Trung ương nêu quan điểm “quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ, bỏ đất hoang”. Vì thế, ở lần sửa đổi này, dự thảo Luật Đất đai bổ sung quy định dự án bỏ hoang, chậm tiến độ sẽ bị tăng tiền sử dụng đất, thuê đất. Tuy nhiên, mức thuế suất cụ thể, phải được quy định tại luật về thuế. Do đó, Bộ TN&MT cho hay sẽ báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo luật về thuế nghiên cứu.

Tại một hội thảo góp ý dự Luật Đất đai (sửa đổi) hồi tháng 3/2023, các chuyên gia cho rằng cần có những quy định rõ về đối tượng sẽ bị áp mức thuế cao hơn, được miễn, giảm, hưởng ưu đãi về thuế. Về lâu dài, một số chuyên gia khuyến nghị cần nghiên cứu áp dụng thuế bất động sản với nhà thứ hai trở lên.

Nhìn ra các nước, Singapore là một trong số quốc gia áp dụng thuế này, với mức thuế 7% với người mua nhà thứ hai và 10% với nhà thứ ba. Nước này cũng áp thuế theo thời gian bán bất động sản, như bán nhà trong năm đầu sau khi mua sẽ bị đánh thuế 16%, bán vào năm thứ hai thì mức thuế giảm về 12%, năm thứ ba là 8% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.

Thực tế, đây không phải là lần đầu việc đánh thuế bất động sản thứ hai được đưa ra thảo luận. Cách đây 6 năm, Chính phủ cũng từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TP HCM, nhưng sau đó không được thông qua. Có nhiều ý kiến phản biện, một trong số đó cho rằng thời điểm đánh thuế lúc đó vẫn còn quá sớm.

Năm 2022, khi dự thảo cơ chế đặc thù thí điểm tiếp theo cho TP HCM sau khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực, TP cũng từng đề nghị được thí điểm áp thuế này. Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến, các bộ, ngành cho rằng chưa nên đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TP HCM vì chính sách này “không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp”.

Tuy nhiên, với báo cáo của Chính phủ như nêu trên, thì rất có thể một lần nữa vấn đề đánh thuế lũy tiến với nhà đất thứ hai, thứ ba sẽ tiếp tục được bàn đến. Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng giới đầu cơ “ôm” nhà đất, “chôn” tiền vào đất chứ không đưa tiền vào sản xuất kinh doanh các lĩnh vực, đã, đang và sẽ gây hệ lụy như thế nào. Vì vậy, đã đến lúc cần những tính toán, quyết sách đúng đắn để hạn chế tối đa hậu quả của tình trạng này.

Đọc thêm