“Không để văn bản luật tạo "khe hở" cho bất bình đẳng giới”

Việc xác định đối tượng bị tác động trong nhiều văn bản PL theo cách quy định “trung tính” phần nào dẫn tới tình trạng chưa bình đẳng, vẫn còn một khoảng cách trong đóng góp và hưởng thụ của nam và nữ. Hệ quả có thể dẫn đến kết quả không bình đẳng, thậm chí là phân biệt đối xử giới, trong đó nữ giới là người chịu thiệt thòi, không được bình đẳng thật sự với nam giới.

Qua hơn 4 năm, việc tổ chức thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG) và thực hiện lồng ghép giới (LGG) trong xây dựng và thực thi pháp luật (PL) đã có nhiều tiến bộ và kết quả đáng kể. Tuy nhiên, cũng như nhiều chuyên gia pháp luật, bà Nguyễn Thùy Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIII vẫn trăn trở trước những vấn đề còn tồn tại để việc LGG trong xây dựng chính sách, pháp luật đạt kết quả mong muốn, làm cho BĐG tiếp tục có nhiều tiến bộ, thực chất hơn.

Trọng nam, khinh nữ. Ảnh minh họa
Trọng nam, khinh nữ. Ảnh minh họa

Loại trừ khả năng tạo ra bất BĐG

Thưa bà Nguyễn Thùy Anh, càng gần đến 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam, những hoạt động truyền thông và thúc đẩy thực hiện BĐG càng được tiến hành sâu rộng. Bà có thể cho biết rõ hơn về vai trò của LGG trong xây dựng và thực thi pháp luật?

- Bảo đảm lồng ghép vấn đề BĐG (LGG) trong xây dựng và thực thi pháp luật là 1 trong 6 nguyên tắc BĐG được xác định tại Điều 6 Luật BĐG đã thể hiện rõ mục tiêu hướng hệ thống pháp luật nói chung và hoạt động lập pháp nói riêng tới giá trị công bằng, bình đẳng trên phạm vi toàn xã hội cho cả nữ giới và nam giới trên cơ sở khắc phục, hạn chế, loại trừ khả năng tạo ra bất BĐG ngay từ trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật - vốn được coi là một trong các nguồn gốc gây ra bất BĐG.

Đặc biệt trong xây dựng pháp luật, hơn lúc nào hết, các nhu cầu nội tại trong thể chế chính trị - pháp lý của Việt Nam đã và đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao về giá trị công bằng, bình đẳng trong quá trình điều chỉnh và hiệu chỉnh hệ thống pháp luật.

Thực tế lập pháp ở Việt Nam cho thấy, việc xác định đối tượng bị tác động trong nhiều văn bản PL theo cách quy định “trung tính” (tức là không phân biệt chủ thể là nam giới hay nữ giới) có phải là sự thiết lập địa vị pháp lý bình đẳng cho cả nam và nữ không?

- Đó là quan niệm truyền thống nhưng khi vấn đề này được phân tích dưới lăng kính giới cho thấy việc quy định mang tính trung tính đã một phần nào dẫn tới tình trạng chưa bình đẳng, vẫn còn một khoảng cách trong đóng góp và hưởng thụ của nam và nữ.

Hệ quả của việc xác định đối tượng tác động “trung tính giới” trong một số văn bản pháp luật có thể dẫn đến kết quả không bình đẳng, thậm chí là phân biệt đối xử giới, trong đó nữ giới là người chịu thiệt thòi, không được bình đẳng thật sự với nam giới.

Trong bối cảnh ấy, việc LGG trong xây dựng pháp luật được kỳ vọng là một trong những biện pháp có tầm quan trọng chiến lược, cũng như là biện pháp hiệu quả nhất để tiến tới xóa bỏ bất BĐG, đảm bảo cho nam và nữ được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực, cơ hội tham gia các hoạt động và hưởng thụ các lợi ích, thành quả của sự phát triển.

Chưa được quan tâm thấu đáo

Thời gian qua, việc LGG trong xây dựng và thực thi PL đã đạt được kỳ vọng là biện pháp hiệu quả nhất để tiến tới xóa bỏ bất BĐG hay chưa, thưa bà?

“Không để văn bản luật tạo "khe hở" cho bất bình đẳng giới” ảnh 2
 
- Vấn đề LGG mặc dù đã được pháp luật quy định, song do kỹ năng phân tích, LGG còn hạn chế và không được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu của quá trình soạn thảo văn bản nên chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của hiện tượng này bên cạnh việc thiếu nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào; thiếu chuyên gia; một phần là do các Ban soạn thảo chưa có nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng hoạt động này trong công tác xây dựng pháp luật...

Hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật BĐG đã thiết lập nền tảng pháp lý quan trọng để hình thành hệ thống quy phạm về LGG trong xây dựng văn bản pháp luật, điều chỉnh một cách khá toàn diện tới nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm LGG của các chủ thể liên quan đến việc thực hiện  các hoạt động lồng ghép vấn đề BĐG trong quá trình xây dựng dự thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Tuy nhiên, thực tế điều này chưa được quan tâm nhìn nhận một cách thấu đáo. Luật ban hành VBQPPL chỉ dành 1 quy phạm duy nhất để nhắc lại thẩm quyền và trách nhiệm thẩm tra LGG trong xây dựng pháp luật của Ủy ban về các vấn đề xã hội (Điều 22 Luật BĐG). Trong khi đó, Nghị định 48/2009/NĐ-CP (ngày 19/5/2009) quy định chi tiết thi hành Luật BĐG về các biện pháp bảo đảm BĐG đã dành riêng Chương III (6 điều) để quy định một cách tương đối đầy đủ và cụ thể các vấn đề chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện LGG trong xây dựng PL.

Theo bà, xác định LGG được bắt đầu từ khâu nào trong quá trình lập pháp là hiệu quả nhất?

- Việc tích hợp yêu cầu LGG vào các khâu của quy trình lập pháp đồng thời cũng đặt ra đòi hỏi về trách nhiệm giới của tất cả các chủ thể liên quan đến quá trình xây dựng pháp luật (XDPL). Việc LGG vào quá trình XDPL chỉ thực sự có hiệu quả khi các chủ thể tham gia XDPL có được sự nhận thức thống nhất, đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm, thực hiện đúng và đủ thủ tục, trình tự LGG theo các quy định hiện hành. Song, trên thực tế việc bảo đảm thực hiện LGG trong công đoạn Chính phủ vẫn là vấn đề còn nhiều hạn chế.

Từ khi Luật BĐG có hiệu lực đến nay một số Bộ, ngành - cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo VBQPPL còn chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình, thủ tục LGG. Không ít văn bản được xác định là có vấn đề giới nhưng đã không được phân tích, xác định vấn đề giới nên không có đánh giá tác động, cũng như đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề giới đặt ra trong giai đoạn xây dựng dự án và thẩm định dự án. Và chỉ đến khi Ủy ban về các vấn đề xã hội yêu cầu báo cáo về việc LGG trong xây xây dựng văn bản thì mới được cơ quan soạn thảo quan tâm đến. Do vậy, cần có các biện pháp đồng bộ để bảo đảm tính khả thi và phát huy hiệu quả của việc LGG trong XDPL, nhất là ở công đoạn xây dựng, soạn thảo dự án luật.

Để giải quyết những hạn chế hiện nay trong LGG trong xây dựng và thực thi PL thì theo bà cần áp dụng những biện pháp nào?

- Với sức ép của công tác xây dựng pháp luật hiện nay và những hạn chế của công tác LGG trong XDPL đã trình bày trên đây thì việc thực hiện nhận biết vấn đề giới, phân tích giới, LGG trong giai đoạn các cơ quan soạn thảo xây dựng dự án luật là rất cần thiết. Nếu không có “điểm khởi đầu này” thì việc LGG trong giai đoạn tiếp theo: Thẩm định, thẩm tra sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá, tổng kết việc thực hiện LGG trong các dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua, cũng như là hoạt động phối hợp đánh giá việc lồng ghép vấn đề BĐG của Bộ tư pháp và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Để từ đó có Đề án nâng cao chất lượng hoạt động LGG trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan soạn thảo, thẩm định.

Các cơ quan cần bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi về việc thực hiện BĐG trong tổ chức và hoạt động của cơ quan mình và phân công cán bộ chuyên trách làm công tác LGG. Vấn đề BĐG phải được lồng ghép trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Chính phủ để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vấn đề này. Việc đào tạo cán bộ làm công tác lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng VBQPPL cần được quan tâm, chú trọng.

Bên cạnh giải pháp nâng cao nhận thức của các chủ thể có trách nhiệm trong hoạt động XDPL, cần coi việc không chấp hành trình tự, thủ tục LGG trong XDPL là hành vi vi phạm, theo đó, các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo luật cần có thái độ kiên quyết đối với việc trình dự án, dự thảo không đảm bảo yêu cầu LGG theo quy định của PL.

Trân trọng cảm ơn bà!

Khái niệm “xu thế chủ đạo giới” hay “lồng ghép giới” là một thành tựu quan trọng của sự nghiệp đấu tranh vì BĐG toàn cầu đạt được tại Hội nghị thế giới lần thứ tư của Liên hợp quốc về phụ nữ được tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995 (trước đó được đề xuất tại Hội nghị lần thứ ba tại Nairobi).

Giá trị cốt lõi của nó là phương pháp tiếp cận, là là chiến lược nhằm đạt được sự BĐG thực chất trên phạm vi sâu rộng của đời sống xã hội bằng cách đưa yếu tố giới vào dòng chảy chủ đạo của quá trình hoạch định và thực hiện pháp luật, chính sách phát triển kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội và gia đình.

Hơn 15 năm qua, khái niệm này từng bước được chuyển hoá vào nhận thức xã hội cũng như thể chế, chính sách của Việt Nam với những tiến bộ đáng khích lệ. Trong đó, việc thiết lập được quan niệm về LGG trong  hoạt động xây dựng VBQPPL tại Khoản 7 Điều 5 Luật BĐG có thể coi là một mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến nhận thức, tư duy về vấn đề LGG trong điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.  

Hương Giang (thực hiện)

Đọc thêm