Không đưa trẻ bị bệnh đến cơ sở y tế là phạm luật

Kể từ 2/12, người đang chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học cho trẻ em phát hiện trẻ bị bệnh hoặc có dấu hiệu bị bệnh mà không thông báo kịp thời cho gia đình hoặc không đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất dẫn đến hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt nặng…
Kể từ 2/12, người đang chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học cho trẻ em phát hiện trẻ bị bệnh hoặc có dấu hiệu bị bệnh mà không thông báo kịp thời cho gia đình hoặc không đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất dẫn đến hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt nặng…

Phạt nặng nếu từ chối khám, chữa bệnh cho trẻ

Nội dung trên được Chính phủ quy định tại Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu; thu tiền khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em duới 6 tuổi trái quy định… sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 -6 tháng.

Mức phạt cao nhất từ 20- 40 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới. Phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng nếu cha, mẹ, người giám hộ có hành vi bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống. Số tiền phạt sẽ nâng lên từ 10- 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.

Bỏ rơi con, phạt 10 triệu đồng   

Nghị định này quy định, nếu sau khi sinh, cha hoặc mẹ bỏ con không chăm sóc, nuôi dưỡng; cha, mẹ bỏ mặc con, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt…sẽ bị phạt từ 5- 10 triệu đồng.

Đối với cá hành vi đối xử tồi tệ với trẻ em như: đánh đập, xâm phạm thân thể, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét; gây tổn thương về tinh thần làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần…sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1- 5 triệu đồng. Cha, mẹ bắt con, người giam hộ bắt trẻ em mà mình giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em mà mình nuôi dưỡng làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em có thể bị phạt tiền từ 1-5 triệu đồng.

Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với các hành vi như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để ép buộc trẻ em phải bỏ học, nghỉ học; dụ dỗ, lôi kéo trẻ em bỏ học, nghỉ học; hủy hoại sách vở, đồ dùng học tập của trẻ em; từ chối tiếp nhận, cản trở trẻ em bị nhiễm, nghi nhiễm, có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS hoặc trẻ em có cha, mẹ bị nhiễm HIV/AIDS vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định

Đông Quang