BHXH Việt Nam trả lời:
Điều 100 Luật BHXH và Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm: Đối với trường hợp điều trị nội trú là giấy ra viện; Đối với trường hợp điều trị ngoại trú là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh về số ngày cần phải nghỉ việc điều trị ngoại trú.
Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHHX bắt buộc quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau: Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Khoản 4 Điều 100 Luật BHXH giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện…
Theo đó Giấy ra viện, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu Phụ lục 3, Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định phải có thông tin bắt buộc về mã số BHXH/thẻ BHYT. Trường hợp Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở khám bệnh chữa bệnh cấp đã có đầy đủ thông tin nêu trên thì sẽ được BHXH giải quyết hưởng chế độ theo quy định.