Không được bỏ qua “quy định khác của pháp luật có liên quan”!

(PLO) - Trong áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền cần thận trọng bởi có khi “cứ tưởng như vậy” nhưng hóa ra …“không phải thế”.
Không được bỏ qua “quy định khác của pháp luật có liên quan”!
Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC  do UBND một phường ở Hà Nội lập ngày 14/1/2015 xử phạt 1 hành vi vi phạm (HVVP) xảy ra từ năm 1997. Căn cứ để lập Biên bản là Khoản 1 Điều 36 Nghị định  102/2014/NĐ-CP: “Đối với HVVP hành chính trong lĩnh vực đất đai xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực tại thời điểm thực hiện HVVP để xử lý”. Theo phường, năm 1997 là thời điểm xảy ra HVVP: Bà B. “chiếm đất” xây nhà 3 tầng không phép. Về biện pháp xử lý, Biên bản ghi các căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 2 Nghị định 04/1997/NĐ-CP (phạt tiền), Điểm đ Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 (thu hồi đất). 
Về sự việc này, Luật gia Nguyễn Chấn trao đổi: 
I. Khoản 1 Điều 36 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định như trên; nhưng ngoài ra còn “quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tại Khoản 1 Điều 16 Luật Xử lý vi phạm hành chính nói rõ: “Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. 
Đối với hành vi “lấn, chiếm đất” xảy ra kể từ 01/7/2004, pháp luật xử lý vi phạm hành chính áp dụng triệt để biện pháp “thu hồi đất”. Nhưng, ứng xử với việc sử dụng đất từ trước ngày 1/7/2004 (kể cả “đất lấn, chiếm”), Nhà nước ban hành nhiều quy định khác của pháp luật có liên quan đề cao sự cần thiết phải “mềm mại” để tránh khiếu kiện gây mất ổn định xã hội.  Tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định việc xử lý đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2004 như sau: “Trường hợp đã có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính...”. 
Trong một “quy định khác của pháp luật có liên quan”, Luật Xây dựng quy định: Công trình xây dựng trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực (01/7/2004) không phù hợp các quy định của Luật này được xử lý như sau: “Công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp về kiến trúc được phép tồn tại theo hiện trạng; trường hợp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình thì phải tuân theo quy định của Luật này” (Khoản 1 Điều 121). Những quy định hợp lòng dân này không có ở Nghị định số 102/2014/NĐ-CP nhưng được quy định tại những văn bản quy phạm pháp luật khác bắt buộc các tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện nghiêm túc. Nếu xử lý trường hợp này như nội dung Biên bản số 01/BB-VPHC trong khi Nhà nước đã điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; các hộ dân liền kề đã được hợp thức hóa quyền sử dụng nhà, đất, Chủ tịch UBND phường  đương nhiên phải bất chấp “quy định khác của pháp luật có liên quan” (Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 121 Luật Xây dựng). Đây là HVVP quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu ở phần trên.
II. Biên bản ghi “chung chung” thời điểm vi phạm “năm 1997” không có giá trị pháp lý. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính” (Khoản đ Điều 3).
III. Căn cứ Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Việc quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng HVVP hành chính phải căn cứ vào các yêu cầu sau đây: a) Phải gây ra hậu quả hoặc có khả năng thực tế gây ra hậu quả; b) Đáp ứng yêu cầu khôi phục lại trật tự quản lý hành chính nhà nước do vi phạm hành chính gây ra; c) Phải được mô tả rõ ràng, cụ thể để có thể thực hiện được trong thực tiễn và phải bảo đảm tính khả thi”. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm