Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, ngay từ sáng nay (18/7/2021), TP Hồ Chí Minh đã tiến hành mở lại một số chợ truyền thống với các điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch như chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hoá tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; Thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5K, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng, và thực hiện tiêm vaccine cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Đây cũng là một nội dung mà thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam trong thời điểm giãn cách xã hội được tổ chức sáng nay.
Theo thứ trưởng Hải, tình hình sẽ thay đổi từng giờ nên cần phải xác định tính chất thời điểm khác, rất khác so với bình thường nên Bộ đã thành lập Tổ công tác tiền phương để giải quyết tình hình hàng hóa ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
“Có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng hóa thiếu, tăng giá, lực lượng lao động bị ảnh hưởng khi nhiều tỉnh áp dụng chỉ thị 16. TP Hồ Chí Minh đóng cửa chợ đầu mối trong khi 70% lượng hàng trung chuyển diễn ra ở đây. Ngắt đi đầu mối này đương nhiên sẽ thiếu hàng hóa. Nếu không mở lại chợ đầu mối thì không thể khắc phục được tình hình cung ứng hàng hóa cho 19 tỉnh thành phía Nam; Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh không đóng cửa chợ truyền thống và đầu mối, ưu tiên tiêm vắc xin cho các tiểu thương, tăng giờ bán hàng và tăng điểm bán hàng lưu động; Các địa phương cần phối hợp trong việc lưu thông” - thứ trưởng Hải nói.
Tại cuộc họp bàn về phương án cung ứng hàng hóa cho 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội (được tổ chức sáng 18/7), rất nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ tình hình cung ứng hàng hóa đã được đưa ra.
Theo đó, nếu cần thiết, Bộ Quốc phòng sẽ tham gia hỗ trợ lực lượng bộ đội tại chỗ và dân quân địa phương nếu ngành nông nghiệp cần người thu hoạch các mặt hàng nông sản; Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) có thể tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa khi hiện nay các doanh nghiệp đầu mối thu mua đang rất lo lắng về vấn đề lưu thông hàng hóa. TP Hồ Chí Minh phải nghiên cứu mở rộng hệ thống phân hối các mặt hàng thiết yếu, báo cáo hàng ngày về đầu mối 2 Bộ để kịp thời xử lý;
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, 2 tổ công tác tiền phương của 2 Bộ (đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh) phải phối hợp với nhau để các lực lượng trên địa bàn tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương nhưng cũng cần phải tuân thủ chỉ đạo của 2 Bộ. Các địa phương phải khảo sát nắm bắt chính xác nhu cầu hàng hóa thiết yếu để kịp thời thông báo với tổ công tác tiền phương, xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa với các mức độ cao hơn…
Bộ Công Thương cũng sẽ cử thêm đoàn công tác của Tổng cục QLTT vào các tỉnh phía Nam để tăng cường lực lượng cho các địa phương phía Nam thực hiện công tác quản lý các hiện tượng tăng giá đột biến, trục lợi trong dịch bệnh, đảm bảo không để xảy ra các hiện tượng gây ảnh hưởng, tác động mạnh đến đời sống xã hội người dân tại các địa phương này.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết, hiện 4 tỉnh Vĩnh Long - Bến Tre - Tiền Giang - TP Hồ Chí Minh đã mở thêm tuyến đường thủy để vận chuyển hàng hóa; Một số địa bàn chuẩn bị thu hoạch nông sản tới vụ đã có kế hoạch thu hoạch vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa cụ thể; Tại Bến Tren đã xuất hiện một số doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, thuốc tây đóng cửa vì sợ dịch nhưng tỉnh đã tham gia động viên doanh nghiệp và đã khắc phục được hiện tượng này. Bến Tre cũng đã kích hoạt các kịch bản và chuẩn bị như phát phiếu đi chợ, điều hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu…