Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của BLDS và luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, điểm e khoản 1 Điều 28 BLDS năm 2015 cũng bổ sung quyền thay đổi tên của người đã chuyển đổi giới tính. Để bảo đảm thực thi quy định tiến bộ trên, Quyết định số 243/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành BLDS đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng VBQPPL về chuyển đổi giới tính. Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng dự án Luật này, dự kiến trình Quốc hội năm 2019-2020.
Cụ thể hơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nêu rõ: “Điều 37 BLDS năm 2015 quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Quy định này nhằm tạo cơ chế pháp lý chống phân biệt đối xử với người chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ có địa vị pháp lý bình đẳng như cá nhân khác và sự minh bạch trong thực hiện các quyền nhân thân, tài sản trong các quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, để việc chuyển đổi giới tính được thực thi trên thực tế, cần xây dựng, ban hành Luật Chuyển đổi giới tính theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Trong Luật này, cần cụ thể hóa các quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính.