Không nên cứng nhắc trong chuyển giao bộ máy kiểm soát thủ tục hành chính

(PLO) - Hôm qua (10/5), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đã chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính 

Theo báo cáo của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ), Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi 9 điều của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; bổ sung 4 khoản của 4 điều và sửa đổi một số khoản của 5 điều của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP. Đồng thời, tập trung vào nội dung điều chuyển nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, thực hiện theo dõi cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ tổ chức pháp chế bộ, ngành, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp sang Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện tại các Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, số 37/2014/NĐ-CP, số 123/2016/NĐ-CP để thực hiện nhiệm vụ thống nhất đầu mối chủ trì triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh một số ý kiến tán thành thì đa số thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị cân nhắc việc điều chuyển tổ chức, bộ máy làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC của các bộ, ngành từ tổ chức pháp chế về văn phòng các bộ, ngành. Bà Mai Thị Anh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo kiên quyết tinh giản, riêng Văn phòng Bộ chỉ còn 5 bộ phận, việc chuyển Phòng Kiểm soát TTHC về Văn phòng Bộ sẽ khó được nguyên vẹn. Đấy là chưa kể trong vòng 5 năm cứ liên tục chuyển đổi đã làm mất cơ hội phấn đấu của các cán bộ. Bà Tống Thị Hậu (Bộ Tài chính) cho biết, Phòng Kiểm soát TTHC của Vụ Pháp chế đang được giao 12 nhiệm vụ, nếu chuyển phòng đi và chỉ chuyển mỗi nhiệm vụ kiểm soát TTHC thì 11 nhiệm vụ còn lại sẽ giải quyết ra sao…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tiến Châu xác định đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nên phải có tiếp cận phù hợp hơn, cần ưu tiên giải quyết vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ hơn vấn đề tổ chức, bộ máy. Hiện nay, chức năng kiểm soát TTHC đã được chuyển từ Bộ Tư pháp sang Văn phòng Chính phủ nhưng cần nhận thức rõ rằng kiểm soát TTHC không còn là hậu kiểm mà phải tiền kiểm từ khâu xây dựng pháp luật và theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì còn phải kiểm soát từ khi đề xuất xây dựng chính sách. Trong đó, tiền kiểm do cơ quan tư pháp, pháp chế làm; hậu kiểm là Văn phòng Chính phủ.

“Chúng ta nêu vấn đề phải thống nhất thì có bắt buộc thống nhất bộ máy không hay là thống nhất cách thức thực hiện, đặc biệt không nhất thiết Trung ương có gì thì địa phương có nấy, cũng tương tự như Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập một số sở, ngành, trong khi Trung ương có đặt vấn đề sáp nhập đâu. Vì vậy, đề nghị cân nhắc việc chuyển giao, không quá máy móc và nên chăng chỉ quy định sắp xếp, tổ chức lại đối với các bộ, ngành. Còn ở địa phương cho phép chuyển giao, tạo “lực” thực hiện nhiệm vụ” – Thứ trưởng phân tích. 

Đối với mô hình 1 cửa, 1 cửa liên thông, Thứ trưởng cho rằng cơ sở pháp lý chưa vững chắc. Bộ Nội vụ mới thống nhất chủ trương một số địa phương nên cần phải có thời gian. Tôn trọng quyết tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo nhưng theo Thứ trưởng, quan trọng hơn là cách làm như thế nào, nhất là về biên chế, nguồn lực trong bối cảnh hiện nay.

Đọc thêm