Không thể xem nhẹ tin báo từ người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 8/8, TAND huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vừa tuyên phạt đối tượng Hoàng Thị Ngọc 24 tháng tù và phạt bổ sung 50 triệu đồng về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, vào ngày 23/2/2023, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Vũ Quang đã kiểm tra nhà riêng của Hoàng Thị Ngọc và tịch thu 3 cá thể rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), 1 cá thể hổ con (Panthera tigris) đều bị ngâm rượu và 2 khúc ngà voi châu Phi (Loxodonta africana) có khối lượng 6,1kg đã chế tác, đang được gắn làm đồ trang trí. Được biết, Ngọc đã mua rắn hổ chúa và hổ con về ngâm rượu để chữa xương khớp.

Điều đáng nói là thông tin vụ việc do một người dân thông báo tới cơ quan chức năng sau khi theo dõi con dâu của đối tượng Ngọc “livestream” (phát trực tiếp trên mạng) tại phòng khách của căn nhà - nơi lưu giữ những sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) nói trên. Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan công an đã kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tịch thu tang vật. Bình rượu ngâm rắn hổ chúa và hổ con đã được chuyển giao đến Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Theo quy định hiện hành của pháp luật, hổ, rắn hổ chúa và voi đều là những loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi tàng trữ trái phép cá thể, sản phẩm, bộ phận cơ thể của các loài này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên đến 360 triệu đồng đối với cá nhân.

Qua vụ việc trên có thể thấy, do thiếu hiểu biết, nhiều người dân vẫn thực hiện hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép ĐVHD, sản phẩm, bộ phận từ ĐVHD trái phép và phải đối diện với những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Bên cạnh đó cũng có thể thấy hiệu quả công tác xử lý các vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trên cả nước ngày càng theo chiều hướng tích cực.

Ngày 9/8/2023, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã phát hành Báo cáo “Hiệu quả công tác xử lý thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo năm 2022”. Đây là một đánh giá độc lập về hiệu quả của các cơ quan chức năng trong việc xử lý thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo qua đường dây nóng ENV được thực hiện thường niên từ năm 2019.

Theo ENV, nhìn chung, trên mọi tiêu chí đánh giá (tỷ lệ xử lý vụ việc thành công, tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống và tỷ lệ phản hồi), hiệu quả công tác xử lý các vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trên cả nước đã có sự cải thiện trong năm 2022 so với kết quả năm 2021.

Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam là địa phương đạt thành tích nổi bật và toàn diện nhất (đứng đầu mọi tiêu chí) trong công tác xử lý các vụ việc do người dân thông báo, với tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc nói chung đạt 84,6% và tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống là 94,1% - đều là mức cao nhất ghi nhận trên cả nước.

Với việc tích cực xử lý 100% các thông tin vụ việc cùng phản ứng kịp thời sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm từ ĐVHD, gỡ bỏ các thực đơn quảng cáo ĐVHD trái phép, đồng thời tịch thu và tiếp nhận chuyển giao 1.172 cá thể ĐVHD còn sống trong năm 2022. Ngoài ra, hai tỉnh Thanh Hóa và Đồng Nai cũng nằm trong số các địa phương có hiệu quả xử lý thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trong năm 2022 tốt nhất cả nước. Cơ quan chức năng hai tỉnh này đã phản hồi 100% các thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo và đạt tỷ lệ thành công cao cả trong việc xử lý các vụ việc nói chung và các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống nói riêng.

Đồng Nai, Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương và Cần Thơ đều là các địa phương phản hồi 100% các thông tin vụ việc do người dân thông báo. Tuy nhiên, tỷ lệ phản hồi cao chỉ thực sự phát huy ý nghĩa nếu “song hành” cùng với hiệu quả xử lý cao, như những kết quả đã được ghi nhận tại các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai và Thanh Hóa.

Báo cáo cũng đánh giá hiệu quả công tác xử lý tại các địa phương ghi nhận số lượng thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất. Trong đó, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Đắk Lắk cũng rất đáng được ghi nhận vì những nỗ lực trong công tác thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD.

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố ghi nhận số lượng vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất trên cả nước, do đó các cơ quan chức năng cũng đối diện với khối lượng công việc lớn nhất. Tuy nhiên, trong năm 2022, các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh chỉ xử lý thành công 16,9% các vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo và tỷ lệ xử lý thành công các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống chỉ đạt 18,1%. Các tỷ lệ này tại Hà Nội lần lượt là 28,3% và 32,8%.

Qua vụ việc tại Hà Tĩnh, cũng như các con số từ báo cáo của ENV, có thể thấy những tin báo từ người dân rất quan trọng và các cơ quan chức năng cần biết tận dụng khởi đầu tích cực này để tiếp tục bảo đảm pháp luật được áp dụng một cách nhất quán, lâu dài và triệt để, nhằm tiến đến xóa bỏ tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam.

Đọc thêm