Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia có bị sử dụng sai mục đích?

(PLO) - Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia có cơ sở vật chất, quy mô lớn và quan trọng nhất của ngành thể thao nước ta, được khởi công xây dựng vào năm 2001 để chuẩn bị cho Sea Games 22 - năm 2003 tại Hà Nội. Dư luận gần đây một lần nữa được hâm nóng trước những phản ánh, cho rằng cảnh quan nơi đây đang bị sử dụng sai mục đích. 
Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia có bị sử dụng sai mục đích?

Giảm gánh nặng ngân sách

Khác hẳn với khung cảnh nhếch nhác, đìu hiu và ngày một xuống cấp của các công trình thể thao thường thấy ở nhiều địa phương, các Câu lạc bộ thể thao của Khu thể thao Quốc gia Mỹ Đình luôn thu hút khá đông người tham gia. Không đơn thuần là khu vực chỉ dành riêng cho các hoạt động thể thao, quảng trường Sân vận động Mỹ Đình còn là một địa điểm công cộng, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô và cả nước, là nơi thường xuyên tổ chức các Lễ hội, sự kiện văn hóa sôi động. Vào các buổi chiều mùa hè, khu vực này tập trung rất đông người, kèm theo đó nở rộ những hàng quán, dịch vụ vỉa hè. 

Thực hiện tự chủ về tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ và chịu trách nhiệm 100% kinh phí cho hoạt động, Khu Liên hợp Thể thao đã đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thể thao, thực hiện liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân để tạo các nguồn thu từ việc đầu tư khai thác quỹ đất và những cơ sở vật chất hiện có.

Nhờ vào các nguồn thu, Khu Liên hợp Thể thao có được sự đầu tư có trọng điểm dành cho nhiều hạng mục công trình lớn, hàng năm, đơn vị chi hàng chục tỷ đồng cho công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng những trang thiết bị có giá trị. Nguồn thu cũng giúp duy trì được đội ngũ công nhân, người lao động có trình độ, tay nghề để thực hiện công tác chuyên môn. Song song với đó là nhiệm vụ chăm sóc vườn hoa cây cảnh, vệ sinh môi trường, giữ cho cảnh quan của quần thể công trình luôn sạch đẹp. 

Các nguồn thu cũng đã góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Mô hình cần nhân rộng

Dư luận gần đây một lần nữa nóng lên trước một số thông tin, phản ánh, cho rằng Khu liên hợp Thể thao đang dần “ biến dạng” bởi hàng loạt dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê, dịch vụ massage, sửa chữa ô tô, cho thuê kho bãi, nhà xưởng v.v...

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia khẳng định, việc đơn vị triển khai thực hiện một số dự án liên doanh, liên kết không thể làm biến dạng được Khu Liên hợp Thể thao vì các dự án trên đều nằm ở các khu đất xen kẹt hoặc ở vị trí tương đối xa so với các công trình thể thao. Hiện thành phố Hà Nội cũng đã điều chỉnh một phần diện tích đất thuộc quy hoạch trước đây của Khu Liên hợp Thể thao để xây dựng các dự án khác phù hợp với yêu cầu thực tế. 

Xét cho cùng, những cơ sở, công trình thể thao được xây dựng cũng là nhằm phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe của người dân, sẽ rất tốt và rất cần thiết khi những cơ sở, công trình này được gắn với tổ hợp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu và giúp thu hút nhiều người đến sinh hoạt, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở Khu Liên hợp Thể thao. Thực tế ở các nước phát triển, tại các công trình lớn phục vụ thi đấu thể thao đều có các tổ hợp dịch vụ đi kèm. 

Báo điện tử Vnexpress.net đã từng có trắc nghiệm dành cho bạn đọc, trả lời câu hỏi đánh giá về việc làm của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia? Có đến 64 %  số người (2333/3628 phiếu) chọn mục: Tôi thích Khu thể thao Quốc gia Mỹ Đình có thêm dịch vụ như bây giờ.  

Có thể thấy, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thể thao, tận dụng các nguồn lực của xã hội để khai thác tối đa cơ sở vật chất, tránh lãng phí công năng các công trình, đồng thời có được nguồn thu tài chính để đầu tư trở lại cho sự phát triển mà Ban lãnh đạo Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đã thực hiện trong thời gian qua là hoàn toàn phù hợp với chủ trương mà Chính phủ đang khuyến khích và cho phép. Đây cũng là đơn vị tiên phong thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao và là mô hình cần nhân rộng trên cả nước.

Đọc thêm