Khu vực dự án hồ chứa nước Hố Khế (Quảng Nam): Ồ ạt xây nhà trái phép “đón đầu” bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, sau khi xuất hiện thông tin Nhà nước chuẩn bị xây dựng dự án hồ chứa nước Hố Khế, nhiều người dân huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đã cấp tốc mua, vận chuyển vật tư, ồ ạt xây dựng các công trình trái phép trên đất lâm nghiệp để chờ đền bù. Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, qua kiểm tra thực địa, hiện có gần 60 công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép nhằm trục lợi bồi thường.
Qua kiểm tra thực địa, hiện có gần 60 công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép nhằm trục lợi bồi thường.
Qua kiểm tra thực địa, hiện có gần 60 công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép nhằm trục lợi bồi thường.

“Thấy người khác xây, mình cũng làm theo thôi”

Dự án hồ chứa nước Hố Khế, thuộc dự án Cụm Hồ chứa nước Hố Khế, Mò Ó, Cha Mai nằm trên địa bàn huyện Tiên Phước; vừa có quyết định đầu tư và được thông báo rộng rãi đến người dân.

Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, nâng cao diện tích chủ động nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn.

Thế nhưng, khi nghe thông tin, hàng chục hộ dân xã Tiên Lãnh đã tìm cách xây nhà trái phép “đón đầu” dự án khiến chính quyền địa phương “đau đầu” xử lý.

Có mặt tại thôn 2 xã Tiên Lãnh vào một ngày cuối tháng 3/2023, nhận thấy chỉ trong trong vòng bán kính khoảng 500m, đã có hàng chục công trình nhà cửa, chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây mới hoàn toàn theo dạng kiên cố. Một số hộ dân còn thẳng tay đốn hạ những vườn keo tràm để lấy đất làm nơi xây dựng. Phần lớn các công trình xây dựng theo kiểu “thần tốc”, tường ốp gạch men, hệ thống kèo mái với những thanh sắt lớn… Theo một cán bộ xã, tất cả diện tích mà các hộ dân này xây dựng các công trình lên, đều thuộc đất lâm nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Các công trình trái phép này mọc lên như “nấm sau mưa” chừng 15 ngày, sau khi có chủ trương đầu tư xây dựng dự án.

Một người đàn ông ngụ thôn 2 cho biết, từ sau hôm UBND xã Tiên Lãnh tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư xây dựng dự án hồ chứa nước Hố Khế, nhiều hộ trong thôn bàn tán rồi đua nhau mua vật liệu, thuê người chở xi măng, cát vào trong núi để xây dựng nhà ở, chuồng trại kiên cố, “đón đầu” dự án, chờ nhận tiền đền bù.

Thấy mọi người làm nhiều, ông cũng “không thể ngồi yên”. Ông kể lại, do kinh tế eo hẹp, gia đình ông đi vay mượn mấy chục triệu đồng để thuê người cất căn nhà nhỏ. Việc xây dựng một căn nhà cấp 4 rất đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian. Chỉ có điều do xây trong núi nên công đoạn vận chuyển đưa vật liệu vào hết sức khó khăn. Một căn nhà xây dựng hoàn chỉnh, chi phí thấp nhất khoảng 30 - 40 triệu đồng.

“Mà đất này tôi có giấy chứng nhận hẳn hoi nên khi Nhà nước thu hồi, sẽ trả tiền cho tôi, chứ sao lấy không được. Tuy nhiên, về căn nhà mới xây, tôi chưa biết có được bồi thường hoặc hỗ trợ hay không. Thấy người khác xây, mình cũng làm theo thôi”, ông chia sẻ.

Những công trình trái phép nằm sát đường dẫn hồ chứa nước Hố Khế, một số diện tích hơn 100m2.

Những công trình trái phép nằm sát đường dẫn hồ chứa nước Hố Khế, một số diện tích hơn 100m2.

Tiếp tục đi sâu vào trong núi, bắt gặp nhiều gia đình khác cũng đang vượt những con dốc cao để chở những bao xi măng để xây nhà. “Gần như 100% người dân ở đây đều xây dựng nhà trên phần đất sản xuất lâu năm của gia đình. Cũng có một vài hộ đã xây dựng nhiều công trình trang trại từ lâu, khi chưa có thông tin dự án, nhưng đa phần là xây mới. Riêng nhà tôi, xây dựng trang trại nhỏ, khoảng hơn 30 triệu đồng”, chủ một hộ gia đình cho biết.

Xã “trở tay không kịp”

Dự án hồ chứa nước Hố Khế, thuộc dự án Cụm Hồ chứa nước Hố Khế, Mò Ó, Cha Mai; được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý và ngân sách tỉnh, với tổng mức đầu tư trên 130 tỉ đồng (trong đó chi phí xây lắp công trình gần 94 tỉ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 36,5 tỉ đồng). Diện tích xây dựng công trình 40,43ha, do BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Theo ông Bùi Sang, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, địa phương đã báo cáo sự việc lên UBND huyện và đã phối hợp với huyện lập đoàn lên kiểm tra hiện trạng. Sau khi kiểm tra, xã đã lập biên bản xử lý vi phạm các công trình xây dựng trái phép nói trên.

Ông Sang cho hay, khi địa phương mới thông báo sẽ triển khai dự án, người dân đã đua nhau xây dựng khiến chính quyền xã “trở tay không kịp”. Bên cạnh đó, khu vực người dân xây dựng nằm trong núi, xa khu dân cư nên rất khó phát hiện, quản lý xử lý. Trước mắt, địa phương vận động bà con chủ động tháo dỡ những công trình trái phép và không để phát sinh thêm tình trạng này.

Khi địa phương mới thông báo sẽ triển khai dự án, người dân đã đua nhau xây dựng khiến chính quyền xã “trở tay không kịp”.

Khi địa phương mới thông báo sẽ triển khai dự án, người dân đã đua nhau xây dựng khiến chính quyền xã “trở tay không kịp”.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thông tin, hiện tình trạng xây dựng công trình trái phép tại khu vực triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế diễn biến hết sức phức tạp. Qua kiểm tra thực địa, hiện có gần 60 công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép nhằm trục lợi bồi thường.

“Đối với sự việc ở Tiên Lãnh, không khác gì một đại công trường trái phép và một phần lỗi do UBND địa phương này chậm phát hiện, xử lý không kịp thời. Quan điểm của UBND huyện sẽ giải quyết triệt để, ráo riết nghiêm túc chứ không “làm cho có”. Những hộ không chấp hành, sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành sau khi có quyết định xử phạt hành chính”, ông Hùng Anh nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, nhằm khắc phục dứt điểm tình trạng xây nhà “đón đầu” dự án trên, huyện cũng yêu cầu các địa phương lân cận tổ chức kiểm soát các tuyến đường vào khu vực triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế. Nghiêm cấm các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, không để người dân có điều kiện tiếp tục xây dựng công trình trái phép. Các trường hợp cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho từng hộ dân có liên quan được biết, yêu cầu tự tháo dỡ công trình vi phạm. Các trường hợp không chấp hành tự tháo dỡ công trình vi phạm, khẩn trương xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, tiến đến cưỡng chế thực hiện, hoàn thành việc xác lập toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trước ngày 30/4/2023.

Riêng những công trình xây dựng trái phép nào người dân không đứng ra nhận, sẽ được xác lập công trình vô chủ và UBND xã sẽ lập phương án tự tháo dỡ.

Đọc thêm