Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt), quê ở làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Cuối năm 1926, Lê Hữu Trọng được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội chọn sang Quảng Châu - Trung Quốc học tập và được Bác Hồ đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam” - một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Lê Hữu Trọng được Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng.
Sau đó Lý Tự Trọng được Bác Hồ giới thiệu vào học tại một trường trung học của Chính phủ Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu. Qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu.
Vốn thông minh, hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước. Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới.
Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam kỳ; đồng thời Lý Tự Trọng được giao một nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ uỷ Nam kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo các tội ác của thực dân Pháp vào ngày 8/2/1931 và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Dòng người đổ xuống đường đông nghịt biến thành buổi mít tinh lớn.
Chính thời khắc ấy, tên thanh tra mật thám Lơ Grăng cùng đội cảnh sát đã ập tới bắt một cán bộ tuyên truyền của ta đang say sưa diễn thuyết. Trước tình huống này, Lý Tự Trọng đã dùng súng lục bắn 2 phát liền khiến tên thanh tra mật thám ngã gục. Lập tức anh bị bắt và đưa về giam tại bốt Catina (Sài Gòn).
Mặc dù thực dân Pháp dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn dã man lẫn dụ dỗ ngon ngọt nhưng chúng không khai thác được bất kỳ thông tin nào từ anh. Bất lực, thực dân Pháp đưa anh ra xử án, Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên toà của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản.
Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể có con đường nào khác”.
Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn hòng giết anh trong im lặng, nhưng mục đích đó cũng không đạt trước tinh thần cách mạng của người thanh niên Lý Tự Trọng.
Bà An-đơ-rê Vi-o-lít, một nhà báo Pháp thuật lại sự thật oanh liệt về cái chết của người cộng sản nhỏ tuổi này: Khi lên máy chém, ông Nhỏ (anh Trọng) hết sức thản nhiên và hô to: “Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm…” rồi cao giọng hát bài Quốc tế ca “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian..”. Bà An-đơ-rê cũng không quên nhắc lại những ngày ở trong nhà lao, “ông Nhỏ” vẫn thường xuyên tập thể dục, tay không rời cuốn Truyện Kiều..
Hình ảnh và chí khí người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng hết sức thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ Việt Nam yêu nước.