Kiên định giữ chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việt Nam đang đứng trước "cơ hội lịch sử" khi giá gạo tăng mạnh - lần đầu tiên vượt qua cả giá gạo của Thái Lan. Trước tình thế này, lãnh đạo Bộ Công Thương luôn nhấn mạnh việc cần phải giữ vững chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị triển khai điều hành xuất khẩu gạo
Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị triển khai điều hành xuất khẩu gạo

Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tăng 18,7% về lượng, tăng 29,6% về kim ngạch, giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022. Đây là cơ hội để gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu cũng như mở rộng (bên cạnh việc giữ vững) thị trường.

Bộ Công Thương nhận định, sản xuất lúa gạo có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; Thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc cần làm trong giai đoạn hiện nay là phải bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.

Kiên định với mục tiêu này, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất: “Thời gian tới, trước hết, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành”.

Bên cạnh đó sẽ khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết. Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Đồng thời, rà soát tình hình sản xuất, thông tin về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích canh tác; cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước để xác định rõ nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương còn đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.

Trong buổi làm việc với các đối tác nước ngoài, bên cạnh thảo luận hợp tác kinh tế, thương mại nói chung, lãnh đạo Bộ Công Thương luôn đưa nội dung hợp tác về nông sản, trong đó có mặt hàng gạo vào chương trình làm việc.

Đọc thêm