Kiến nghị tháo “vòng kim cô”trên thị trường tài chính

 “Thực ra các ngân hàng rất thích giám sát bằng công cụ hành chính. Bởi nói là công cụ hành chính nhưng thực chất là  không có công cụ nào cả. “Trần” VND 14%, rồi “trần” USD 2% cũng “teo” luôn. Hạn mức tính dụng cũng thế. Rồi hạn chế cho vay phi sản xuất. Làm sao trong vòng 3 tháng điều chỉnh cho vay phi sản xuất từ 40% xuống còn 20%?”
“Thực ra các ngân hàng rất thích giám sát bằng công cụ hành chính. Bởi nói là công cụ hành chính nhưng thực chất là  không có công cụ nào cả. “Trần” VND 14%, rồi “trần” USD 2% cũng “teo” luôn. Hạn mức tính dụng cũng thế. Rồi hạn chế cho vay phi sản xuất. Làm sao trong vòng 3 tháng điều chỉnh cho vay phi sản xuất từ 40% xuống còn 20%?”

Ảnh minh họa

Đó là đánh giá của  TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) trong bài phát biểu tại Hội thảo “Tác động của thị trường chứng khoán (TTCK) lên thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam, những khuyến nghị chính sách” do NFSC và UNDP phối hợp tổ chức ngày hôm qua, 29/7.

Khó khăn đã qua, rủi ro chưa hết…

Mặc dù chủ đề hội thảo là tác động của TTCK lên TTTC song nói như ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch NFSC, hội thảo lại đề cập đến vấn đề ngược lại: Tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, kinh tế vĩ mô lên TTCK.

Nhận định nền kimh tế đã qua thời điểm khó khăn nhất, tuy nhiên TS Nghĩa lưu ý vẫn còn nhiều rủi ro đang rình rập. Theo ông Nghĩa, rủi ro lớn nhất là tỷ giá hối đoái. “Mặc dù thời điểm hiện tại, tỷ giá có vẻ như ổn định nhưng 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã lên tới 23% trong khi tăng trưởng tín dụng nội tệ chỉ có 3%. Chênh lệch huy động và cho vay ngoại tệ đã lên tới 85 nghìn tỷ trong khi con số này cùng kỳ chỉ chưa đầy một nửa (41 nghìn tỷ). Do vậy khi nợ ngoại tệ đáo hạn sẽ gây áp lực rất lớn cho tỷ giá” – Phó Chủ tịch NFSC phân tích.

Ngoài ra nền kinh tế còn phải đối mặt với “rủi ro chéo” từ chính sách tài khóa. Cụ thể đầu tư khu vực công dàn trải và hiệu quả thấp; tín dụng ngân hàng bị hút cạn vào các tập đoàn kinh tế; nợ xấu tăng mạnh; tăng trưởng tín dụng thấp 7%, nếu tính cả số dư trái phiếu chính phủ, thực tế đã tăng 9%. Do vậy, rủi ro lạm phát cả trong ngắn hạn và dài hạn.

“Tấm gương phóng đại”

“TTCK suy giảm không phải do bản thân TTCK, mặc dù có một số yếu kém của thị trường nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản. Cái gì trong thẩm quyền thì chúng tôi cũng đã làm. TTCK chỉ là tấm gương phản ánh nền kinh tế, nhưng tấm gương có tính phóng đại, người xấu soi vào thì xấu hơn, người đẹp soi vào thì đẹp hơn…”- TS Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát biểu. Có nhiều giải pháp đưa ra để “cứu” thị trường nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô.

“Nếu như theo anh Trung (ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội- PV) nói những chỉ số của TTCK đi trước, phản ảnh nền kinh tế trong mấy tháng tời thì với TTCK đang èo uột như hiện nay thì sẽ phản ánh điều gì của nền kinh tế  trong 3- 4 tháng nữa?” - ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch NFSC đặt vấn đề. “Nói như vậy thì về triển vọng kinh tế của năm 2011, cá nhân tôi lo ngại rằng chiều hướng 6 tháng cuối năm còn tiếp tục xấu hơn”- ông Thúy lo ngại.

Bãi bỏ ngay các quy định hành chính

Một loạt các khuyến nghị chính sách được NFSC đưa ra như: Cung tiền tệ cần đảm bảo liều lượng hợp lý với chu kỳ kinh doanh; bãi bỏ ngay các quy định hành chính (trần lãi suất, hạn mức tín dụng 80%, không áp dụng tăng trưởng tín dụng cào bằng); sử dụng có hiệu quả dự trữ bắt buộc; ổn định thị trường liên ngân hàng; đảm bảo thanh khoản của ngân hàng nhỏ; từng bức giảm lãi suất, tạo đường cong lãi suất chuẩn…

“Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp ngay. Nếu không có thể tất cả những gì chúng ta đã đạt được trong quý 2 sẽ  “đổ xuống sông xuống bể”- ông Nghĩa khẩn thiết.

Đồng tình với những giải pháp này, ông Lê Đức Thúy nhận mạnh: việc điều hành thị trường phải trong khuôn khổ pháp lý, sao cho minh bạch hơn, những chuẩn mực gắn liền với thông lệ quốc tế hơn, tránh sự bóp méo do can thiệp hành chính vô lý hoặc không đúng làm cho thị trường bị ảnh hưởng xấu…

 Liên quan đến những kiến nghị mà NFSC đưa ra, ông Thúy cho rằng bất ổn vĩ mô đến từ nhiều nhân tố, nhưng khi bất ổn vĩ mô thì công cụ chính sách tiền tệ phải là công cụ chính để tạo lập nên một sự ổn định nhất định.

“Tôi nghĩ, những kiến nghị, đề xuất không phải là không có cơ sở. Và không phải không làm được. Vấn đề là lĩnh hội của người có trách nhiệm điều hành và bản lĩnh, quyết tâm để thay đổi chứ không phải cứ nói lạm phát cao như vậy đương nhiên lãi suất phải cao, vậy thì chờ lạm phát xuống thấp hay không coi lãi suất  như là một công cụ của chính sách tiền tệ để làm cho lạm phát giảm xuống?” ông Thúy nói.

Thanh Lan

Đọc thêm