Kiên quyết không gia hạn cho doanh nghiệp dược sai phạm

(PLO) - Đại diện Công ty CP Dược Sơn Lâm được Sở Y tế Hà Nội "giải thích" chuyện gia hạn thời điểm chuyển kho bãi nhưng chính quyền xã Tứ Hiệp kiên quyết không đồng ý, buộc đơn vị này phải dỡ bỏ, di chuyển kho bãi trả lại không gian sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân như đã yêu cầu.

Trong thời gian buộc phải di chuyển kho bãi, công ty dược Sơn Lâm vẫn phơi hàng hóa chưa chịu di dời
Trong thời gian buộc phải di chuyển kho bãi, công ty dược Sơn Lâm vẫn phơi hàng hóa chưa chịu di dời
Sáng ngày 24/11, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội cùng chính quyền xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì làm việc với Công ty CP Dược Sơn Lâm (trụ sở Khu Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) về vấn đề di chuyển kho bãi sau hàng loạt những sai phạm mà doanh nghiệp này mắc phải. 
Trong cuộc họp, ông Phạm Văn Cách - Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm hơn một lần tỏ ra chần chừ trong việc di chuyển kho bãi của công ty (không đủ tiêu chuẩn GSP của Bộ Y tế) để trả lại không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân thôn Văn Điển khi đứng lên đề nghị được gia hạn thời điểm di chuyển kho bãi.
Điều bất ngờ là đề nghị của ông Cách cũng được phía Sở Y tế Hà Nội "ngỏ ý" đồng tình khi có ý kiến đề xuất phía lãnh đạo xã Tứ Hiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp Sơn Lâm có thời gian chuẩn bị, di chuyển hàng hóa đến một địa điểm mới.
Mặc dù vậy, phía xã Tứ Hiệp tỏ ra kiên quyết, không đồng ý với những đề nghị của ông Cách và đại diện Sở Y tế Hà Nội mà buộc đơn vị phải di chuyển kho bãi thuê trái phép ra khỏi khuôn viên Nhà văn hóa thôn Văn Điển, chậm nhất là ngày 25/11 doanh nghiệp Sơn Lâm phải hoàn thành vấn đề này.
Bà Ngô Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch xã Tứ Hiệp nói: "Chúng tôi kiên quyết, buộc ông Cách phải di dời kho bãi chứa dược liệu, vị thuốc ra khỏi nhà văn hóa như đã thông báo. Hiện kho bãi của ông Cách đang vi phạm nhiều vấn đề mà Sở Y tế Hà Nội đã có kết luận rõ ràng, thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu ông Cách cố tình không thực hiện đúng yêu cầu, chúng tôi buộc phải có biện pháp cứng rắn".
Cũng trong chiều ngày 24/11, ông Chử Minh Quân - Chánh Văn phòng huyện Thanh Trì cho biết: "Không có điều luật nào cho phép lấy nhà văn hóa, không gian công cộng của nhân dân ra để cho doanh nghiệp thuê kinh doanh. Nên chúng tôi chỉ đạo, kiên quyết xử lý nghiêm để tránh bức xúc trong dư luận".
Được biết, việc thuê Nhà văn hóa thôn Văn Điển làm kho bãi chứa dược liệu, vị thuốc được ông Phạm Văn Cách tiến hành với chính quyền thôn Văn Điển suốt 7 năm qua mà không có hợp đồng. Việc thu chi từ cho thuê kho bãi cũng do chính quyền thôn Văn Điển tự tiến hành.
Sự việc chỉ được phát hiện khi thời gian gần đây, báo chí thông tin Công ty CP Dược Sơn Lâm có nhiều vi phạm trong việc nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh, chất lượng hàng hóa không được đảm bảo, kho bãi bảo quản không đúng tiêu chuẩn như Bộ Y tế đề ra.
Trước sức ép của dư luận, cuối tháng 10/2015 một đoàn thanh tra liên ngành của TP. Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã kiểm tra đột xuất doanh nghiệp Sơn Lâm, từ đó phát hiện ra đơn vị này có quá nhiều sai phạm.
Cụ thể, kho Tại kho dược liệu ở trong khuôn viên Nhà Văn hóa tổ 5, thị trấn Văn Điển – Công ty CP Dược Sơn Lâm có giấy phép hoạt động nhưng lại không đủ tiêu chuẩn GSP mà Bộ Y tế ban hành nên bị xử phạt hành chính và buộc doanh nghiệp phải có đầy đủ điều kiện như trong quy định. Còn kho ở tầng 3 Trung tâm thương mại Văn Điển, doanh nghiệp không được cấp phép hoạt động nên cơ quan chức năng đã buộc doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động nơi này cho đến khi được cho phép.
Ngoài ra, giấy tờ vận hành tại các kho của Công ty CP Dược Sơn Lâm không đầy đủ như có hóa đơn đầu vào nhưng lại không có hóa đơn đầu ra, sổ sách thực tế không khớp với số lượng hàng hóa có trong kho, không ghi chếp đầy đủ tình trạng xuất nhập khẩu hàng hóa trong kho…
Kể về kho thuốc của Công ty CP Dược Sơn Lâm đặt ở Nhà văn hóa thôn Văn Điển, bà Hằng cho biết: “Tôi có vài lần cùng với đoàn kiểm tra liên ngành tới kho bãi của doanh nghiệp Sơn Lâm làm việc nhưng sự thật khi chứng kiến tận mắt thì thật lòng mà nói, lần sau không dám dùng thuốc đông y luôn”. Bởi theo bà Hằng, việc bảo quản thuốc ở đây diễn ra sơ sài, không đảm bảo khiến cho bản thân “cảm thấy sợ”.
Trao đổi với PV vào chiều ngày 24/11, nhiều người dân ở thôn Văn Điển tỏ ra đồng tình với cách xử lý của chính quyền xã Tứ Hiệp. Tuy nhiên, họ tỏ ra nghi ngại trước khi chưa thấy kết quả cuối cùng.
“Quan trọng nhất vẫn là kết quả cuối cùng. Nhiều năm nay chúng tôi đã sống trong bức xúc trước những gì mà công ty CP Dược Sơn Lâm mang lại.  Chúng tôi mong chờ lãnh đạo xã kiên quyết xử lý, lấy lại không gian nhà văn hóa cho người dân sinh hoạt” – anh N.V.H (34 tuổi, người dân sống cạnh Nhà văn hóa thôn Văn Điển) nói.

Đọc thêm