Kim Thành (Hải Dương): Đơn vị mua nước tự ý đào đường lắp đặt đường ống nước trái phép

(PLVN) -Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng một doanh nghiệp tư nhân ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành vẫn tự ý đào cắt ngang đường giao thông nông thôn do UBND huyện Kim Thành quản lý để lắp đặt đường ống cấp nước. 
Mặt đường nhựa liên xã WB2 xã Liên Hòa bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.
Mặt đường nhựa liên xã WB2 xã Liên Hòa bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.

Cụ thể, từ ngày 19/10, Doanh nghiệp tư nhân Thúy Tiến Phát chuyên sản xuất nước đóng bình, đá tinh khiết ở thôn Trung Kiên, xã Bình Dân đã có hành vi tự ý đào cắt ngang đường giao thông nông thôn thuộc địa phận xã Liên Hòa (huyện Kim Thành) để lắp đặt đường ống cấp nước. 

Theo đó, đường ống của doanh nghiệp trên đã cắt qua mặt đường nhựa WB2 mặt cắt ngang khoảng 20 cm trên trục đường xã Liên Hòa (tuyến đường do UBND huyện Kim Thành quản lý) rồi xẻ ngang qua một kênh mương và chạy dọc theo mương nước đi vào hộ gia đình ông Công ở thôn Trung Kiên, nơi Doanh nghiệp tư nhân Thúy Tiến Phát sản xuất nước, đá.

Mặt đường nhựa liên xã WB2 xã Liên Hòa bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.
 Mặt đường nhựa liên xã WB2 xã Liên Hòa bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.

Đáng nói, quá trình kéo dẫn đường ống nước vào nơi sản xuất, doanh nghiệp này còn tiếp tục xẻ ngang mặt bê tông của đường nội đồng để chôn đường ống nước rồi đậy vỏ bao xi măng, mảnh gỗ nhỏ lên phía trên vệt cắt. 

Mặt bê tông đường nội đồng cũng bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.
 Mặt bê tông đường nội đồng cũng bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.

Ông Nguyễn Văn Tho, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dân cho biết, ngày 21/10, có nhận được phản ánh về sự việc trên. Sau đó, xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp trên đã tự ý cắt mặt đường trái phép.

Nhưng do đường nhựa WB2 là tuyến đường do UBND huyện quản lý, xã không đủ thẩm quyền để xử lý nên đã báo cáo lên huyện. Còn tuyến đường nội đồng cũng bị cắt và thuộc sự quản lý của xã có được lập biên bản xử lý hay không, ông Tho không nắm bắt được.

Trong khi đó, trao đổi về vụ việc trên, đại diện Phòng kinh tế hạ tầng huyện Kim Thành cho hay, đã giao Hạt quản lý giao thông của huyện tiến hành kiểm tra, xử lý. Đây là việc tự ý đào cắt đường giao thông trái phép nên Hạt quản lý giao thông đã tiến hành lập biên bản, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp vi phạm cắt 2 đầu đường ống (dự kiến) không cấp nguồn nước. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 21/10, Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương, chủ đầu tư Nhà máy nước sạch Thành Đạt (có trụ sở tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành), đơn vị cấp nước tại xã Bình Dân nhiều năm, đã có văn bản đề nghị làm rõ, xử lý việc đầu tư chồng lấn địa bàn cấp nước với nội dung: Theo quyết định chấp thuận của UBND tỉnh Hải Dương, Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương được cấp nước cho 4 xã Kim Đính, Bình Dân, Cẩm La, Liên Hòa (cùng thuộc huyện Kim Thành). Việc cấp nước này diễn ra ổn định từ nhiều năm nay. 

Thế nhưng, vào ngày 19/10, doanh nghiệp phát hiện có đơn vị cấp nước khác đã đầu tư lắp đặt tuyến đường ống cấp nước HDPE-D90 từ Công ty TNHH nước sạch Liên Hòa (xã Liên Hòa) sang địa bàn thôn Trung Kiên, xã Bình Dân. Sau khi kiểm tra, nắm bắt sự việc, ngày 21/10, Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương đã trực tiếp báo cáo và đề nghị Chủ tịch UBND xã Bình Dân chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Mặt bê tông đường nội đồng cũng bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.
 Mặt bê tông đường nội đồng cũng bị xẻ ngang để lắp đặt đường ống nước.

Theo đại diện Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương, việc cấp nước như trên là đã vi phạm vào địa bàn cấp nước mà trước đó UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt tại quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Kim Đính cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp được duyệt cung cấp nước cho nhân dân các xã Kim Đính, Liên Hòa, Bình Dân, Cẩm La của huyện Kim Thành. 

“Khi được UBND tỉnh duyệt địa bàn cấp nước, chúng tôi đã huy động vốn để đầu tư, lắp đặt đường ống nước phục vụ đầy đủ, chu đáo đến với bà con. Nhưng họ chồng lấn sang địa bàn của chúng tôi như thế sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: đầu tư, lắp đặt được ống xong nhưng không được sử dụng hiệu quả, không thu hồi được vốn, không có khả năng trả nợ các nguồn vay vốn đã vay trước đó. Việc đào cắt đường có thể là chuyện nhỏ nhưng nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc xử lý dứt điểm thì doanh nghiệp như chúng tôi sẽ bị thiệt hại, tổn thất rất nhiều”, vị đại diện Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương chia sẻ.

Được biết, tại điều 32 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch có nêu rõ: Một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước. 

Sự việc này có được xử lý triệt để hay không? Báo PLVN tiếp tục thông tin.

 

Đọc thêm