“1 lít axit pha với 100 lít nước sẽ có 101 lít nước giấm”
Qua kiểm tra, cơ sở của bà Loan không có giấy phép sản xuất, hoạt động kinh doanh, an toàn vệ sinh. Ở khu vực chế biến, cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh với những lo chai chất đầy nằm ngổn ngang và bịch nylon vung vãi khắp nơi. Chưa hết, các dụng cụ dùng để đổ trộn nước lã và chất axit axetic sau đó đóng vào các chai nhựa đã sử dụng rất mất vệ sinh.
Lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm lọ chai đã qua sử dụng cùng nhiều thùng axit axetic công nghiệp không rõ nguồn gốc và hết hạn sử dụng. Mùi nồng nặc của axit axetic bốc hơi khắp căn nhà.
Bà Loan khai, bà quê ở tỉnh Quảng Nam nhưng nhiều năm nay vào tỉnh Quảng Ngãi làm ăn sinh sống. Sau thời gian buôn bán ở chợ trong TP.Quảng Ngãi, vài năm trở lại đây bà Loan về buôn bán ở chợ Châu Ổ. Hiện có bà quầy hàng tên Lan ở cạnh chợ này.
“Nghe người ta nói chất axit kia không hại sức khỏe nên tôi vào TP.Quảng Ngãi mua mấy thùng đó về dùng pha bán dịp Tết. Vì đây là dịp khách sỉ nhiều do lượng tiêu thụ của người dân tăng mạnh. Họ mua về dùng cho gia đình trong dịp Tết. Công thức sản xuất giấm là dùng axit pha với nước lã rồi đóng vào chai, loại 500ml. Cứ 1 lít axit pha với 100 lít nước giếng bơm máy sẽ cho ra khoảng 101 lít nước giấm”, bà Loan khai nhận.
Mở rộng điều tra, Công an huyện Bình Sơn kiểm tra quầy hàng Lan của bà Loan cạnh chợ Châu Ổ phát hiện trên 50 chai giấm đang bán ra thị trường. Bà Loan khai, mỗi ngày cơ sở Lan tiêu thụ trên 200 chai giấm thành phẩm với giá khoảng 2.000 đồng/chai.
Theo một số tiểu thương bán hàng tại chợ Châu Ổ, bà Loan mở quầy bán giấm vài năm gần đây. Mỗi ngày bà Loan bỏ giấm sỉ cho nhiều nơi, không chỉ tiểu thương ở huyện Bình Sơn mà các huyện lân cận cũng đến lấy hàng của bà Loan.
Đại úy Trần Quốc Vũ - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Bình Sơn) cho biết: “Theo nguồn tin của người dân ở thị trấn Châu Ổ rằng họ nhìn thấy cơ sở sản suất giấm ở tổ dân phố 3 có chứa nhiều thùng axit axetic, đồng thời rất mất vệ sinh, vài ngày trước, chúng tôi bí mật theo dõi người mua, rồi sau đó lần ra cơ sở bán ở chợ. Sau đó, Đội Cảnh sát kinh tế đã cử lực lượng bí mật theo dõi và bắt quả tang hoạt động pha chế, sản xuất lén lút giấm độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người tiêu dùng tại nhà bà Châu Thị Loan”.
Theo Đại tá Vũ, bất kỳ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào cũng phải có đủ các yếu tố như giấy phép kinh doanh, cơ sở trang thiết bị đảm bảo, nhân lực phải có chuyên môn, bằng cấp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận mới có thể hoạt động. Hành vi của cơ sở sản xuất giấm của bà Loan đã vi phạm pháp luật. Hiện toàn bộ số giấm trên được Công an huyện Bình Sơn tiến hành niêm phong, tạm giữ và lấy mẫu xét nghiệm để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Các thùng axit acetic dùng pha với nước lã làm giấm ăn bán ra thị trường |
Có nguy cơ tử vong
Theo ông Huỳnh Công Thư - Trưởng Phòng Y tế huyện Bình Sơn, giấm là một chất lỏng có vị chua, được hình thành từ sự lên men của rượu etylic. Thành phần chính của giấm là dung dịch axit axetic (CH3COOH) có nồng độ khoảng 2 - 5% và nước.
Axit axetic tự nhiên dùng trong thực phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Song, cũng có loại axit axetic sản xuất công nghiệp, không được sử dụng trong thực phẩm. Nếu sử dụng axit này pha giấm ăn thì cực kỳ nguy hại, người dùng không khác gì ăn chất độc.
Bên cạnh đó, việc dùng axit axetic pha chế với nước lã là cách để nhân đôi nguy hại. Vì các vi sinh vật có trong nước lã có thể kết hợp với giấm để lên men thành các vi khuẩn sinh ra chất độc.
“Bước đầu kiểm tra cho thấy, cơ sở sản xuất giấm của bà Châu Thị Loan không đảm bảo vệ sinh môi trường. Hoạt động sản xuất, chế biến giấm thời gian dài nhưng không có bất cứ giấy phép, chứng nhận gì. Điều đáng lo nhất nếu sử dụng axit axetic công nghiệp thì sẽ gây nguy hại sức khỏe. Người dân ăn loại giấm làm từ axit axetic công nghiệp hay những loại axit đậm đặc, không rõ tên, nguồn gốc, xuất xứ có thể gây tổn hại lớn cho sức khỏe”, ông Thư cho biết.
Theo ông Thư, nơi tiếp nhận đầu tiên và bị ảnh hưởng lớn nhất chính là dạ dày, hệ thống tiêu hóa. Một khi hệ thống tiêu hóa, đường ruột gặp vấn đề thì sẽ có rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính mà người dùng không thể lường trước được.
“Người pha chế có thể sơ suất hoặc không hiểu biết về hóa học, pha chế lượng axit axetic vượt ngưỡng cho phép sẽ gây viêm loét dạ dày, có nguy cơ bi ngộ độc thần kinh, ung thư, thậm chí là tử vong”, ông Thư cho biết.
Tại cơ sở sản xuất giấm của bà Loan và quầy hàng Lan, lực lượng Công an huyện Bình Sơn phát hiện toàn bộ các chai nhựa đựng giấm bán ra thị trường đều đã qua sử dụng, được mua lại các bãi phế liệu.
“Chai nước khoáng đã sử dụng trước khi rót giấm vào cũng là nguồn lây nhiễm bệnh tật không nhỏ. Nếu chai lọ đựng giấm không sạch sẽ, bị nhiễm trùng thì riêng loại giấm chất lượng cũng bị hư hại ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, chứ chưa cần nói đến giấm pha nước lã với axit”, ông Thư khuyến cáo.