Kinh tế Việt Nam: “Sức khỏe” đã phục hồi

So với cùng kỳ năm 2009, “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ rệt sau đại dịch “khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,16%, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2009, “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ rệt sau đại dịch “khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. 

cc
Xuất khẩu đã bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4 và kim ngạch xuất khẩu tới nay ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2010

Những tín hiệu đáng mừng


Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức khẳng định, 3 chỉ số quan trọng nhất là tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ông Thức lý giải, kinh tế thế giới nhìn chung đang thoát ra khỏi khủng hoảng, nhưng chưa thực sự có những chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc.

Một số quốc gia, trong đó có cả các nước phát triển, lại gặp những bất ổn về kinh tế tài chính như nợ công, có nước nợ công lên tới 125% GDP. So sánh tương quan và trong điều kiện sản xuất kinh doanh trong nước còn khó khăn thì tốc độ tăng GDP trong 6 tháng qua của Việt Nam đạt 6,16% là cao.

Song điều quan trọng hơn là cả 3 khu vực tăng trưởng đều cho thấy nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhanh. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tới 3,31%, công nghiệp xây dựng tăng 6,5% và dịch vụ tăng 7,05%, đóng góp tương ứng vào mức tăng chung là 0,59 điểm, 2,63 điểm và 2,94 điểm phần trăm.

Không những thế, theo ông Thức, CPI quý I có biểu hiện tăng cao trở lại với mức tăng bình quân tháng là 1,35%, song sang quí II, mức tăng bình quân tháng đã giảm xuống còn  0,21%, bằng 15,6% mức tăng bình quân tháng trong quí I và bằng một nửa mức tăng bình quân tháng trong quí II.

Đáng mừng nữa là chỉ số CPI tháng 6 thấp không ai ngờ tới. Tổ điều hành thị trường trong nước từng dự báo CPI tháng 6 có thể tăng 0,30- 0,37%, còn trong thực tế chỉ tăng 0,22%.

Bên cạnh đó, sau 3 tháng đầu có dấu hiệu chững lại, xuất khẩu đã bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4 và kim ngạch xuất khẩu tới nay ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2010. Hoa Kỳ vẫn là “bạn hàng” xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 6,2 tỷ USD.

Tiếp đến là ASEAN, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông Thức tin rằng, với những diễn biến khả quan này, có thể GDP trong 6 tháng cuối sẽ còn tăng cao hơn năm. Đặc biệt, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đang theo xu hướng tăng quý sau cao hơn quý trước, nền kinh tế trong nước đang phục hồi nhanh.

Nhưng chưa hết lo…
Tuy nhiên, đi cùng với những biểu hiện lạc quan trên, vị lãnh đạo ngành Thống kê không khỏi e ngại về tình hình nhập siêu, thiếu điện và CPI tăng cao trở lại trong 6 tháng cuối năm.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 38,9 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tới 48,9. Trong nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tiêu dùng và hàng máy móc, thiết bị giảm song nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu lại tăng 65,2%, chiếm 81,5% mức tăng chung.

Với lượng hàng nhập khẩu này, mức nhập siêu hàng hóa chiếm tỷ trọng tới 21% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 15% GDP là vấn đề rất đáng lo ngại”, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia Bùi Bá Cường phân tích.

Cũng theo ông Cường, cái khó của những nhà làm chính sách là hạn chế nhập siêu những vẫn phải phục vụ tốt cho sản xuất bởi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu. Ngoài ra, không thể không tính tới chính sách tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ trong tháng 6 vừa qua của Trung Quốc.

Trong 6,7 tỷ USD nhập siêu hàng hóa 6 tháng đầu năm, có tới 6 tỷ USD là nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, đồng nghĩa với việc tăng giá đồng nhân dân tệ cũng sẽ tạo ra sức ép trong việc làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Một khó khăn mà ai cũng nhận thấy suốt nhiều ngày qua là tình trạng thiếu điện đang trầm trọng hơn. Mặc dù sản xuất điện tăng mạnh, nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng còn tăng gấp đôi, cá biệt có ngày nhu cầu điện sinh hoạt tăng tới 19,2%.

Nếu ngành điện không điều tiết hợp lý giữa sản xuất và phân phối điện cho các mục đích tiêu dùng, để thiếu điện kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và nền kinh tế nói chung”, ông Thức nhận định.

Theo ông Thức, cần thận trọng, không được mất cảnh giác với nguy cơ giá cả tăng cao khi mà từ ngày 1/5/2010, lương tối thiểu được điều chỉnh tăng 12,3%.

Hiện lượng tiền mặt cung ứng ra thị trường đã tăng hơn 10% so với năm ngoái và đang tăng dần qua từng tháng. “Khả năng lượng cung tiền 6 tháng cuối năm sẽ còn tăng cao hơn và nó kéo theo CPI cũng sẽ tăng”, ông Thức cảnh báo. 

Hoàng Thư

Đọc thêm