Kinh tế xanh ở Hậu Giang: Kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời

(PLVN) - Là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, phát triển điện mặt trời được xác định là thế mạnh của tỉnh Hậu Giang. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái để góp phần bảo vệ môi trường.
Một mô hình kết hợp giữa nuôi tôm công nghệ cao và điện mặt trời.

Tiềm năng chuyển dịch năng lượng

Trong chiến lược xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang phát triển đồng bộ sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, thu hút nguồn lực, phát triển doanh nghiệp ứng dụng CNC và phát triển đồng bộ 4 yếu tố là quy hoạch sản phẩm, lựa chọn công nghệ, thu hút nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ.

Các lĩnh vực nông nghiệp CNC đang được tỉnh Hậu Giang kêu gọi đầu tư là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, vi sinh, công nghệ mới. Bên cạnh đó, còn có khu mời gọi đầu tư và khu kho bãi chế biến; khu thực nghiệm, trình diễn nông nghiệp ứng dụng CNC; có nhiều dự án kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng; đầu tư sản xuất và trình diễn các mô hình, dự án…

Tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực chuyển từ nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Tỉnh hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe bằng cách đưa công nghệ, tự động hóa vào sản xuất là một giải pháp hữu hiệu, từng bước đưa nền nông nghiệp của Hậu Giang phát triển bền vững. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, qua thống kê, trung bình bức xạ năng lượng mặt trời tại Hậu Giang vào khoảng 4,3 đến 4,9 kWh/m2/ngày, với số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500 giờ/năm, nên Hậu Giang có lượng bức xạ tốt, số giờ nắng cao thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời.

Việc kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong tỉnh, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững là nhu cầu cũng là định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Việc kết hợp sản xuất nông nghiệp CNC và điện mặt trời áp mái phù hợp với vị trí và điều kiện của tỉnh Hậu Giang, giúp gia tăng giá trị sử dụng đất, tạo cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập, tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện năng không biến động theo sự thay đổi của giá nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác và chi phí đầu tư luôn được giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ sản xuất pin quang điện.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của địa phương giai đoạn 2020  - 2025, phấn đấu đạt ít nhất 120 MW, với hệ thống điện mặt trời áp mái từ hộ gia đình, nhà xưởng đến trang trại.

Lợi ích kép

Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.000 ha với tỷ lệ lấp đầy trên 60%. Bên cạnh đó, Hậu Giang đã thành lập khu nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao có diện tích quy hoạch 5.200 ha và hơn 60 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đây là một lợi thế của Hậu Giang trong việc phát triển điện mặt trời áp mái, kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời.

Theo ông Nguyễn Quốc Toàn, về điện mặt trời áp mái trên các trang trại nông nghiệp, đến nay có 96 nhà đầu tư đến tìm hiểu và xin chủ trương đầu tư với tổng công suất đăng ký 212 MW. Công ty Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 22KV, với tổng công suất 45 MW. Điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình, nhà xưởng có 563 khách hàng lắp đặt, tổng công suất 13.599 kWp.

Điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lợi ích kép. Với diện tích bình quân 1,2 ha, có thể đầu tư 1MWp trên nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, nuôi bò cao sản, nuôi gà, nuôi heo, nuôi dế…

Doanh thu từ tiền điện tiết kiệm được và tiền bán điện đã có thể hoàn vốn cho toàn bộ cơ sở vật chất của trang trại sau 6-8 năm với giá bán điện 1.943 đồng/kw như hiện nay. 

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho biết, việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đón dòng đầu tư mới để phát triển kinh tế - xã hội… Chuyển dịch năng lượng nhưng cũng là sự chuyển dịch của cả nền kinh tế. 

Đọc thêm