Kịp thời chăm sóc trẻ mồ côi do đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 3234/LĐTBXH-TE gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh việc ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân. Bởi việc trẻ em được sống trong môi trường gia đình chính là lợi ích tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em. Việc trẻ được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có mong muốn hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài nhóm trẻ em này phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật đối với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa.

Công văn cũng lưu ý địa phương có số lượng lớn trẻ em mồ côi do đại dịch cần sớm ban hành kế hoạch, chính sách để hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng các em trước mắt và lâu dài và chú trọng việc trợ giúp pháp lý cho các em theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ…

Bên cạnh động thái của cơ quan quản lý nhà nước, chiến dịch hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì COVID-19 mang tên “Em không lẻ loi” cũng đã được các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế đang hoạt động tại các tỉnh thành của Việt Nam khởi động nhằm kêu gọi ủng hộ từ các nguồn lực trong xã hội để cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp cũng như dài hạn cho nhóm trẻ này.

Ba tổ chức tham gia chiến dịch này bao gồm: Saigon Children’s Charity (saigonchildren), Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), và Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em (CSWC). “Em không lẻ loi” đặt mục tiêu không chỉ tập trung vào hỗ trợ trẻ về mặt tài chính, mà còn chăm sóc trẻ về mặt tinh thần. Nói cách khác, sự phối hợp của các tổ chức giúp trẻ vượt qua cú sốc về tâm lý của việc mất đi cha mẹ và ngăn chặn bi kịch này ảnh hưởng đến tiềm năng của trẻ.

“Sang chấn về tâm lý đối với trẻ mất cha hoặc mẹ là vô cùng lớn; cách tối ưu nhất để giúp đỡ trẻ mồ côi đó là tạo điều kiện cho trẻ được ở cùng với người thân của mình, đồng thời tư vấn, hướng dẫn, cũng như cung cấp những hỗ trợ dài hạn cho các nhu cầu sức khỏe, tâm lý, xã hội, và cảm xúc của trẻ. Hỗ trợ học bổng và nhu yếu phẩm rất quan trọng, nhưng hỗ trợ về cảm xúc và tâm lý cũng cần thiết không kém, để trẻ có thể vượt qua nỗi đau và có động lực phát triển tiềm năng của mình” - ông Damien Roberts - Giám đốc Điều hành Saigon Children’s Charity chia sẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD bày tỏ hy vọng đây sẽ là một nỗ lực cần thiết để trẻ em mồ côi do COVID-19 sẽ có thêm một sự hỗ trợ để các em tuy thiệt thòi nhưng không lẻ loi, cảm nhận được sự hỗ trợ và tình cảm của cộng đồng và xã hội, đồng hành cùng các em trong tiến trình vượt qua nỗi đau, nghịch cảnh và trưởng thành.

Đọc thêm