Kon Tum: Cơ quan tiến hành tố tụng có dấu hiệu vi phạm hàng loạt quy định

(PLO) -Ông Võ Văn Hùng (SN 1968, trú tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Sa Thầy truy tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, tại hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo đều cho rằng mình là người vô tội.
Ông Võ Văn Hùng trao đổi với PV về vụ việc
Ông Võ Văn Hùng trao đổi với PV về vụ việc

Viện nói có tội, Tòa xử trắng án

Theo lời khai của ông Hùng tại phiên xét xử sơ thẩm, vào khoảng 20h ngày 29/5/2015, ông có điều khiển xe mô tô chở cháu nội là từ nhà mình về nhà con trai ở thôn 2, thị trấn Sa Thầy.

Khi đi, ông Hùng có dự định đổ xăng để sáng mai đi làm sớm, tuy nhiên khi đi qua ngã ba có cây xăng lẻ ông Hùng mới nhớ ra là quên chưa đổ xăng. 

Vì vậy, ông quay xe lại đi về hướng xã Sa Nhơn, khi còn cách quán xăng khoảng 20, 30m ông chủ động quan sát trước, sau thấy không có người qua lại nên đã bật đèn xi nhan từ từ xin qua đường.

Khi xe của ông Hùng đã qua hết phần đường, bánh trước của xe mô tô đã chạm vào lề đường bên kia, ông Hùng đang bế cháu từ xe xuống để chuẩn bị đổ xăng thì bất ngờ bị xe mô tô do Phạm Đình Trí điều khiển tông vào. Lúc này, xe của Trí có chở theo một người ngồi sau.

Theo lời khai của bị cáo thì rõ ràng trong vụ tai nạn giao thông trên ông không có tội, trái lại còn là nạn nhân của vụ việc. Bởi lẽ khi xảy ra vụ tai nạn, xe của ông Hùng đã dừng hẳn vào lề đường, nói cách khác là ông Hùng không còn tham gia giao thông. Còn xe của Trí điều khiển không biết vì nguyên nhân gì đã tự tông vào xe của ông Hùng.

Trái lại, theo kết luận của cơ quan công an và Viện KSND huyện Sa Thầy lại khẳng định ông Hùng là người có tội. Kết luận của viện KSND cho rằng, khi đi qua quán xăng khoảng 100m, ông Hùng chợt nhớ ra là quên đổ xăng nên đã điều khiển xe quay lại.  Khi ông Hùng điều khiển xe qua gần hết phần bên trái đường thì tông vào xe mô tô do Trí điều khiển.

Vụ tai nạn xảy ra khiến cả 4 người đều bị thương nặng. Sau đó, Trí và người bạn đã được tiến hành giám định thương tật với kết quả tỉ lệ thương tật lần lượt là 41% tạm thời và 18% tạm thời. Về phía ông Hùng đã nhiều lần có đơn gửi cơ quan điều tra yêu cầu được đi giám định thương tích đối với mình và cháu nội nhưng đều không được chấp nhận?!.

Từ những bằng chứng thu thập được, cùng kết quả giám định thương tật Viện KSND huyện Sa Thầy quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với ông Hùng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.

Tại phiên tòa sơ thẩm sau khi xem xét lại toàn bộ chứng cứ vụ việc cũng như lắng nghe lời khai của 2 bên bị cáo và bị hại TAND Sa Thầy đã kết luận hành vi của bị cáo không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn, không cấu thành tội phạm “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Tuy nhiên, Viện KSND huyện Sa Thầy đã không đồng tình với phán quyết của Tòa án cùng cấp nên cơ quan này đã có đơn kháng nghị phúc thẩm.

Biên bản kháng nghị phúc thẩm bản án của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy
Biên bản kháng nghị phúc thẩm bản án của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy 

Nhiều dấu hiệu vi phạm

Sau khi xem xét đơn kháng nghị của Viện KSND huyện Sa Thầy, ngày 24/08/2016, TAND tỉnh Kon Tum đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án.

Tại phiên, cả bị cáo cùng bị hại đều giữ nguyên lời khai của mình như tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo Hùng vẫn khẳng định rằng còn nhiều vấn đề mà Viện KSND Sa Thầy chưa làm rõ trong quá trình điều tra dẫn đến việc buộc tội oan cho bị cáo. 

Cũng tại phiên xét xử phúc thẩm, đại diện của Viện KSND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ ra hàng loạt những vi phạm về quy định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng huyện Sa Thầy mà tại phiên tòa sơ thẩm đã không được làm rõ.

Theo đại diện Viện KSND tỉnh Kon Tum thì ngoài việc lời khai của bị cáo và bị hại tại phiên tòa phúc thẩm còn nhiều điều mâu thuẫn cần được làm rõ thì còn nhiều vấn đề khác đã bị bỏ sót trong quá trình điều tra.

Điều quan trọng nhất là cần xác định rõ điểm va chạm để xác định nguyên nhân, người gây ra tai nạn. Bên cạnh đó phải xác định chính xác tốc độ xe của Trí vì tại phiên tòa Trí khẳng định là chạy với tốc độ 40km/h và đến gần ngã ba đã giảm tốc độ.

Tuy nhiên, khi hỏi là có nhìn thấy xe của bị cáo Hùng không thì cả hai đều khai là không nhìn thấy. Như vậy tốc độ chính xác mà xe của Trí chạy khi đó phải cao thì mới không thể nhìn thấy xe của Hùng trong khi đèn xe đã bật sáng và đèn đường cũng sáng?.

Trong vụ tai nạn ngoài bị cáo và 2 bị hại còn một người nữa cũng bị thương nặng phải nằm viện điều trị nhiều ngày là cháu nội ông Hùng.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm cơ quan tố tụng đã không đưa người đại diện hợp pháp là bố hoặc mẹ của cháu bé vào để xác định số tiền chữa chạy là bao nhiêu. Như vậy, là đã bỏ đi quyền lợi hợp pháp về bồi thường trách nhiệm dân sự đối với cháu bé. 

Ngoài ra, trong quá trình điều tra cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 6 khám nghiệm hiện trường liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ: không tiến hành quay phim chụp ảnh vật chứng tại hiện trường, tại sơ đồ hiện trường không có người chứng kiến, ký tên. 

Các phương tiện giao thông khi xảy ra tai nạn phải được tiến hành giám định tại hiện trường hoặc ngay sau đó, tuy nhiên cơ quan tố tụng huyện Sa Thầy đã vi phạm điều này khi đến ngày 9/10/2015 mới được đưa đi giám định.

Ai có thể đảm bảo trong thời gian gần 5 tháng phương tiện có bị hư hỏng hay biến dạng so với lúc mới xảy ra tai nạn hay không?.

Cơ quan tiến hành tố tụng còn vi phạm thông tư số liên hiệp số 26 của Bộ Y tế về việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó thì tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 24/05/2016, TAND huyện Sa Thầy xác định người đại diện hợp pháp của nạn nhân là không có căn cứ. Vì trong thời gian diễn ra phiên tòa thì cả hai đã đủ 18 tuổi nên phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Đại diện Viện KSND tỉnh Kon Tum còn cho rằng trong quá trình điều tra cơ quan tiến hành tố tụng huyện Sa Thầy đã không làm rõ đó là trách nhiệm của mẹ ruột của Trí khi bà này cho con mình điều khiển xe khi chưa có giấy phép lái xe điều khiển gây tai nạn. 

Sau khi xem xét toàn bộ những lời khai của 2 bên liên quan cùng chứng cứ của vụ việc tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Kon Tum cũng đồng tình với những quan điểm và đại diện Viện KSND đã đưa ra và quyết định đình chỉ vụ án, trả hồ sơ vụ án để cơ quan công an tiến hành điều tra lại từ đầu.

Đọc thêm