'Kỷ luật và Đồng Tâm' sức mạnh làm nên kì tích Vùng mỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 70 năm sau ngày giải phóng, Vùng mỏ hôm nay đã nhiều đổi thay, nhưng ký ức về những năm tháng ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người như cụ Nguyễn Ngọc Đàm, là một trong số rất ít cán bộ có mặt trong những ngày đầu tiếp quản Vùng mỏ còn sống đến hôm nay.
Bộ đội ta tiến vào tiếp quản Vùng mỏ, theo quy định của Hiệp định Giơnevơ ở khu mỏ thực dân Pháp phải rút lui chậm nhất là trong 300 ngày. (Ảnh Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp)
Bộ đội ta tiến vào tiếp quản Vùng mỏ, theo quy định của Hiệp định Giơnevơ ở khu mỏ thực dân Pháp phải rút lui chậm nhất là trong 300 ngày. (Ảnh Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp)

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm sinh năm 1923, tại Bắc Giang, nguyên Phó Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh). Hiện sức khỏe và trí nhớ của cụ giảm nhiều do tuổi tác, nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử hào hùng của Vùng mỏ năm ấy thì dường như vẫn còn vẹn nguyên.

Thời trai trẻ của người thanh niên Nguyễn Ngọc Đàm theo anh trai là công nhân Nhà máy Kẽm Quảng Yên, để vừa học vừa làm liên lạc cho anh trai và các đồng chí của anh. Những năm tháng ấy đã tôi luyện lên một Nguyễn Ngọc Đàm để trở thành người cán bộ cốt cán của Vùng mỏ Anh hùng. Những năm tháng hoạt động cách mạng cụ Nguyễn Ngọc Đàm có bí danh Lê Vân, sau này được nhiều đồng chí, đồng đội gọi thân mật là bác Năm. Hiện, cụ đã 102 tuổi sinh sống cùng con, cháu ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Phó Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) có mặt trong những ngày đầu tiếp quản Vùng mỏ. Hiện, cụ đã 102 tuổi sinh sống cùng con, cháu ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Phó Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) có mặt trong những ngày đầu tiếp quản Vùng mỏ. Hiện, cụ đã 102 tuổi sinh sống cùng con, cháu ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ Đàm nhớ lại, sau những năm trở về quê hương Bắc Giang hoạt động, đầu năm 1946, cụ trở lại Vùng mỏ tham gia cách mạng. Đến ngày 25/4/1955, Giải phóng Vùng mỏ, đây là dấu son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc, cụ Đàm vinh dự và tự hào là người trực tiếp tham gia vào sự kiện tiếp quản Vùng mỏ. Lúc đó cụ làm Quyền Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Đặc khu Hồng Gai, được giao là Phó ban Quân quản vào tiếp quản TX Hòn Gai.

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, ở khu mỏ thực dân Pháp phải rút lui chậm nhất là trong 300 ngày. Lúc này, chủ trương của Đảng ta là phải đập tan âm mưu ép đồng bào ta di cư vào Nam và chủ mỏ tháo dỡ máy móc đem đi. Tháng 3/1955, chủ mỏ di chuyển 8 động cơ Nhà máy Điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam; chúng ta đã tổ chức cho công nhân ở Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả buộc giới chủ mỏ phải dừng việc tháo dỡ máy móc, ngăn chặn được chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu xuống tàu.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm (người đeo kính) từ Đông Triều về sân vận động Hòn Gai trên chiếc ô tô có từ thời Nga hoàng, chỉ huy các lực lượng tiến vào tiếp quản Hòn Gai ngày 25/4/1955. (Ảnh tư liệu)
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm (người đeo kính) từ Đông Triều về sân vận động Hòn Gai trên chiếc ô tô có từ thời Nga hoàng, chỉ huy các lực lượng tiến vào tiếp quản Hòn Gai ngày 25/4/1955. (Ảnh tư liệu)

Tiếp sau đó, những ngày tháng 4/1955, cụ Đàm cùng Ban Quân quản đóng tại Đông Triều. Cụ từ Đông Triều về sân vận động Hòn Gai trên một chiếc ô tô rất cũ có từ thời Nga hoàng. Sáng ngày 25/4 Giải phóng Vùng mỏ, quân dân TX Hòn Gai tổ chức mít tinh trọng thể, ra mắt Ủy ban Quân chính và đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân, dân Hồng Quảng. Cả Vùng mỏ rực rỡ cờ hoa, vỡ òa trong hạnh phúc đón bộ đội ta tiến về tiếp quản, chấm dứt hơn 70 năm thực dân Pháp cai trị. Kể từ đó những hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, ruộng vườn, đồi núi, sông biển đã do nhân dân ta làm chủ để bước vào thời kỳ mới, thời kỳ vừa đấu tranh thống nhất đất nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm chia sẻ, sau tiếp quản Vùng mỏ, nhiều công trường, thiết bị máy móc ở đây cần phải khôi phục mới có thể hoạt động trở lại được. Như ở Hà Tu, những ngày sau khi tiếp quản, chỉ có Công trường Bàng Danh A còn hoạt động với trên 400 công nhân lao động thủ công. Khi đó, cụ Đàm là Phó Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng, đã tập trung lãnh đạo khôi phục sản xuất than và các nhà máy cơ khí để sửa chữa máy móc, ô tô vận chuyển, máy xúc, máy gạt, xe goòng cho khai thác than. Nhờ đó việc sản xuất than từng bước được khôi phục hoạt động, nhất là ở khu vực Cẩm Phả. Cán bộ, công nhân đã khắc phục mọi khó khăn, khôi phục lại tầng mỏ. Công nhân các công trường đã sôi nổi ra quân với khí thế hào hùng của những người làm chủ, đi vào sản xuất những tấn than đầu tiên, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Bộ đội ta tiến quân vào tiếp quản Vùng mỏ. (Ảnh Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp)

Bộ đội ta tiến quân vào tiếp quản Vùng mỏ. (Ảnh Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp)

Dù đã ở “cái tuổi xưa nay hiếm” nhưng cụ Nguyễn Ngọc Đàm không thể nào quên không khí những ngày sau tiếp quản, nhất là tinh thần lao động hăng hái, vượt qua khó khăn gian khổ của công nhân mỏ. Từ trong ánh mắt mỗi người đều toát ra niềm tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Với ý thức tự giác cách mạng rất cao, họ là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của chính quyền và đó cũng là biểu hiện của truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của người Vùng mỏ. Hưởng ứng phong trào công nhân tự quản lý sản xuất, tinh thần làm chủ trong công nhân đã được thể hiện ngày càng cao hơn. Chế độ quản lý dân chủ bước đầu đã gắn bó được trách nhiệm với quyền lợi của công nhân, tạo ra một khí thế lao động mới. Kế hoạch sản xuất hằng tháng, hằng năm đều hoàn thành vượt mức đề ra.

Sau 1 năm tiếp quản, việc khôi phục sản xuất vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của các mỏ. Vùng mỏ đã khôi phục sửa chữa tuyến đường sắt Hồng Gai - Hà Tu đưa vào sử dụng. Xí nghiệp quốc doanh Than Hồng Gai (tiền thân của TKV ngày nay) đã đưa lực lượng xung phong đi xẻ núi làm đường tàu. Nhờ có những tuyến đường sắt đó, việc vận chuyển than thuận lợi hơn. Công tác quản lý sản xuất, quản lý kinh tế ngày một đi vào nền nếp. Quyền làm chủ của công nhân mỏ được phát huy, năng suất và hiệu quả lao động nâng lên. Đời sống của công nhân mỏ ngày càng được cải thiện.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam chuyện về những ngày đầu về tiếp quản Vùng mỏ.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam chuyện về những ngày đầu về tiếp quản Vùng mỏ.

Dù không phải là người được sinh ra ở Quảng Ninh nhưng cụ Nguyễn Ngọc Đàm vinh dự và tự hào là người trực tiếp tham gia vào sự kiện tiếp quản Vùng mỏ, sau đó cùng tập thể góp phần xây dựng một Quảng Ninh “Kỷ luật và Đồng tâm”. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, truyền thống của người thợ mỏ không chỉ được phát huy trong sản xuất, mà cả trong chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cả những năm hòa bình, hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay. Trang sử thi hào hùng, tự hào của Vùng mỏ mà thế hệ những người như cụ Nguyễn Ngọc Đàm đã viết lên, đã kể lại, đã và đang được thế hệ sau viết tiếp.

Đọc thêm