Di tích lịch sử Bà Triệu đã đi vào lịch sử cùng với nữ tướng anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và cuộc đánh đuổi giặc Ngô của Bà vào thế kỷ III. Quần thể di tích gồm: đền thờ Bà Triệu, đình làng Phú Điền, khu lăng mộ 3 anh em tướng quân họ Lý và lăng mộ của Bà Triệu (trên đỉnh núi Tùng).
Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu nổ ra năm 248, chống lại ách đô hộ của nhà Đông Ngô. Từ căn cứ núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn), dưới sự chỉ huy của Bà Triệu, nghĩa quân đã tiến xuống vùng đồng bằng, đánh chiếm thành Tư Phố - trung tâm chính trị của quận Cửu Chân, tiêu diệt chính quyền đô hộ, khiến quân thù vô cùng khiếp sợ.
Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, triều đình Đông Ngô đã cử viên tướng Lục Dận chỉ huy 8.000 quân tinh nhuệ sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân Bà Triệu đã chiến đấu anh dũng, với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ diễn ra tại vùng rừng núi Bồ Điền và cửa Thần Phù. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân chịu tổn thất nặng nề, Bà Triệu đã hi sinh ngay trên mảnh đất Bồ Điền vào ngày 22/2 năm Mậu Thìn 248.
Sau khi Bà Triệu hi sinh, nhân dân đã lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm nhằm tri ân, tôn vinh công đức lớn lao của người anh hùng dân tộc. Để tưởng nhớ công ơn của Bà Triệu, nhân dân đã lập đền thờ, xây lăng mộ Bà trên đỉnh núi Tùng, xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai và dựng một ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền, tôn bà làm Thần hoàng làng và quanh năm hương khói thờ Bà (3 địa danh này đều thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu Di tích Bà Triệu.