Quỹ hỗ trợ nông dân làm… khổ nông dân xã Quỳnh Tân (Nghệ An)

(PLVN) - Góp nhặt từng đồng, mang đến gửi vào Quỹ hỗ trợ nông dân xã với mong muốn về già có chút tiền chữa bệnh đỡ đần con cháu. Nhưng hơn nửa năm nay người gửi tiền không nhận được tiền lãi suất mà xin rút tiền gốc về để chữa bệnh, để sửa lại nhà mà vẫn không được nhận đủ. Sự việc khiến hàng trăm nông dân tại xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đứng ngồi không yên.
Ông Hồ Sỹ Lâm cũng như gần 70 hộ dân gửi tiền vào Quỹ Hỗ trợ nông dân bây giờ muốn rút ra nhưng không được.
Ông Hồ Sỹ Lâm cũng như gần 70 hộ dân gửi tiền vào Quỹ Hỗ trợ nông dân bây giờ muốn rút ra nhưng không được.

Gửi tiết kiệm nhưng muốn rút thì quỹ không có tiền

Câu chuyện về gửi tiền tại Quỹ hỗ trợ nông dân tại xã Quỳnh Tân nhiều tháng trở lại đây luôn là đề tài “nóng hổi” được người dân bàn tán, ai cũng âu lo với số tiền gửi vào không biết số phận ra sao…

Quỹ hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân (gọi tắt là Quỹ) được thành lập tháng 5/2004, tính đến 30/9/2017, tổng số tiền người dân gửi vào Quỹ là 4.994.209.000 đồng/198 hộ. Trong đó đó đã giải ngân cho vay 4.899.037.000 đồng/256 hộ. Cân đối còn dư tại Quỹ là 95.172.000 đồng; dư quỹ rủi ro, khen thưởng, mua sắm 197.762.000 đồng, tổng dư tại Quỹ chỉ còn 292.934.500 đồng.

Với tiện ích là gửi tiết kiệm ngay tại xã nông dân không phải mất công ra tận trung tâm huyện để giao dịch, số tiền được ghi vào sổ tiết kiệm và trả lãi suất người dân rất phấn khởi. Việc vay vốn của bà con cũng gặp nhiều thuận lợi, nhiều gia đình cũng nhờ Quỹ để có vốn làm ăn kinh tế…. 

Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, số tiền những người gửi tiết kiệm không còn được chi trả thường xuyên như trước nữa. Con số những người gửi tiết kiệm tiền gốc tại Quỹ còn lại 69 người với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng chưa thể rút ra.

Điều những nông dân này lo lắng là hiện nay, Quỹ đã ngừng hoạt động và sắp tới sẽ giải thể theo Điều lệ Quỹ hỗ trợ nông dân Việt Nam và theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Từ năm 2010, gia đình ông Hồ Sỹ Lâm (64 tuổi, trú xóm 11, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) đã biết đến Quỹ và góp tiết kiệm tại đây theo vận động của Hội Nông dân xã. Số lần góp vốn khi thì vài ba triệu, lúc nhiều thì 20 triệu, tiền được chắt chiu từ bán nhung hươu, bán con lợn, con gà…

Cuốn sổ tiết kiệm là niềm an ủi tuổi già của nhiều người dân tại xã Quỳnh Tân không biết số phận tiền gửi sẽ ra sao...
Cuốn sổ tiết kiệm là niềm an ủi tuổi già của nhiều người dân tại xã Quỳnh Tân không biết số phận tiền gửi sẽ ra sao...

Hàng năm, số tiền vẫn được nhận lãi suất đều đặn. Tổng số tiền ông góp được tại Quỹ là 95 triệu đồng, từ tháng 7/2018 đến nay Quỹ cũng không chi trả tiền lãi suất như các năm. 

Trong năm 2018 ông muốn rút ra để phụ giúp con trai sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp nhưng không được giải quyết. Nguyên nhân được biết là Quỹ hiện không còn tiền để chi trả cho nông dân. Không chỉ riêng ông, anh Hồ Sỹ Sơn - con trai ông cũng góp tiết kiệm tại quỹ hơn 40 triệu đồng, đến nay cả hai cha con đều chưa nhận được tiền gốc để sửa sang lại ngôi nhà dù đã nhiều lần đề nghị.

Giờ đây, ông chỉ mong muốn nhận lại số tiền gốc mà ông và con trai đã gửi để có tiền sửa lại nhà. Vì Quỹ không rút được nên mới đây ông phải vay mượn để đưa vợ ông mổ mắt. “Tiền là mồ hôi nước mắt gửi vào mong muốn sau này có chút dưỡng già, giờ đau ốm rút tiền đi chữa bệnh cũng không được, không biết sau này có lấy lại được tiền khi đã già rồi không”, ông Lâm nói. 

Được biết, trong xóm có 14 hộ tương tự như hoàn cảnh của ông Lâm, số tiền họ gửi tiết kiệm cũng đều góp nhặt từ việc đồng áng, chăn nuôi… Bà Lê Thị Lan (70 tuổi) bà dành dụm gửi vào Quỹ hơn 70 triệu đồng, cũng từ tháng 7/2018 đến nay không nhận tiền lãi. Vừa rồi đi bệnh viện mổ khối u phải vay mượn tiền của anh em, đến giờ vẫn còn 15 triệu đồng chưa rút ra được. 

Sai phạm nối tiếp sai phạm, nông dân thiệt đơn thiệt kép

Sau khi Quỹ ngừng chi trả tiền lãi suất, các hộ nông dân gửi tiết kiệm đã có đơn gửi các cấp chính quyền để vào cuộc giải quyết. Tháng 3/2018, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân tại xã Quỳnh Tân giai đoạn 2008 - 2017.

Theo kết luận số 06 của đoàn kiểm tra cho thấy, từ năm 2008 – 2010, ông Hồ Minh Mậu (hiện là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân) làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Tân, kiêm Trưởng Ban quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân đã làm trái quy định trong việc huy động và cho vay vốn.

Có thể nói đến như: Ban quản lý Quỹ đã xét cho vay không đảm bảo đúng quy trình theo quy định, hướng dẫn như không tổ chức họp để bình xét đề nghị hộ được vay, không họp BCH Hội nông dân xã để xét quyết định cho vay theo quy định, trong đó có nhiều hộ vay nhiều lần và số tiền vay vượt quá mức quy định. Trong đó điển hình như cho ông Hồ Bá Uyên (chi hội 5) được vay hàng chục lượt với số tiền gần 500 triệu đồng, trong đó có nhiều phiếu không có chữ ký người nhận tiền, chữ ký người lập phiếu, chữ ký kế toán, không có chữ ký trưởng ban và nhiều phiếu người đứng tên khống. Được biết ông Uyên có quan hệ họ hàng(cậu dượng) với ông Hồ Minh Mậu. 

Quỹ hỗ trợ nông dân làm… khổ nông dân xã Quỳnh Tân (Nghệ An) ảnh 2
Số tiền gửi tiết kiệm tại Quỹ được ông Lâm tích cóp từ nhiều khoản khác nhau nhưng đến nay không rút ra được

Ngoài ra, Ban quản lý Quỹ còn hợp thức hóa lập danh sách 7 hộ vay tiền hơn 405 triệu đồng cho ông Uyên mà không có hồ sơ vay tiền tại Quỹ. Huy động vốn trái quy định bằng hợp đồng vay 71 chỉ vàng làm thâm hụt gần 34 triệu đồng... Cùng với đó Quỹ còn lập hồ sơ cho vay và quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Huy động vốn vào quỹ hỗ trợ nông dân bằng hình thức gửi tiền tiết kiệm là trái với quy định. Ban quản lý quỹ còn thu phí đối với các hộ vay vượt quá mức quy định, hướng dẫn của Trung ương Hôi Nông dân Việt Nam và Bộ Tài chính. Trong quá trình cho vay không kiểm tra hộ vay vốn chặt chẽ dẫn đến nợ quá hạn và khó đòi với số tiền hơn 782 triệu đồng. 

Giai đoạn 2010-2017, bà Nguyễn Thị Hà là Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng ban quản lý Quỹ khi nhận bàn giao từ Ban quản lý quỹ giai đoạn 2008-2010 đã phát hiện những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, điều hành nhưng không báo cáo với Đảng ủy, UBND xã và Hội cấp trên để chỉ đạo giải quyết và khắc phục kịp thời. Năm 2014, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu có thông báo về việc ngừng hoạt động và đi đến triệt tiêu quỹ này theo Điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam và các hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhưng Hội Nông dân, Ban quản lý quỹ hỗ trợ nông dân xã không báo cáo với Đảng ủy, UBND xã để chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc mà vẫn tiếp tục duy trì và huy động vốn, cho vay vốn sai quy định. 

Bà Nguyễn Thị Hà đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ khi với tư cách là Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ tịch Qũy tự lập hồ sơ cho 5 hộ vay với số tiền 150 triệu đồng. Được biết, hiện Ban quản lý quỹ giai đoạn này còn để dư nợ hơn 1,287 tỷ đồng, nợ khó đòi là hơn 817 triệu đồng. Đồng thời, không kịp thời trong việc trả tiền cho các hộ gửi tiền vào quỹ khi có nhu cầu rút tiền. Sau khi có kết luận, các thành viên Ban quản lý Quỹ xã và ông Hồ Bá Uyên đã trả gần 1,1 tỷ đồng đối với gần 2,1 tỷ đồng dư nợ.

Số tiền còn lại, ông Uyên và các thành viên Ban quản lý quỹ đã xác nhận và cam kết trả nợ. Ban quản lý quỹ cũng đã khắc phục gần 75 triệu đồng tiền thâm hụt do huy động vốn bằng vàng trái quy định. Bà Nguyễn Thị Hà cũng đã khắc phục số tiền 150 triệu đồng của 5 hộ do bà Hà tự lập hồ sơ để vay tiền quỹ sai quy định. Tuy nhiên, đến nay dư nợ tiền các hộ vay của quỹ HNTD xã vẫ còn hơn 2 tỷ chưa thể thu nợ được. Bên cạnh đó, còn 2,1 tỷ đồng số dư nợ mà các hộ dân gửi vào của 69 hộ dân chưa thể trả.

Dù đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi có kết luận chỉ rõ những sai phạm của các cá nhân, tập thể nhưng người nông dân vẫn chưa nhận được lại số tiền mồ hôi nước mắt họ làm ra gửi tại Quỹ. Hơn nữa, một số cá nhân vẫn chưa phải chịu hình thức kỷ luật, trong đó Trưởng ban quản lỹ cũ vẫn đương nhiệm chức vụ to nhất xã là Chủ tịch UBND (?!).  

      Theo ông Nguyễn Hữu Viên – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu cho biết, vừa qua thường vụ huyện ủy Quỳnh Lưu vừa họp về vấn đề này với các cá nhân, tập thể có liên quan. Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu đã yêu cầu các thành viên trong Ban quản lý cũ nhận nợ của người dân, trong đó là có ông Hồ Minh Mậu và bà Nguyễn Thị Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc thu hồi số nợ quá hạn, nợ khó đòi của các hộ vay từ năm 2008 đến nay, để trả cho những người dân gửi tiền vào quỹ kịp thời, đúng hạn. Các thành viên trong Ban quản lý cũ trong giai đoạn 2008-2017 đã ký nhận nợ số tiền vay của Quỹ phải trả tiền vào quỹ đầy đủ. Quan điểm của Hội Nông dân huyện là sẽ giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân theo quy định pháp luật chứ không nóng vội được. Theo ông Viên 8 xã đang có Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động đều đã cam kết giải thể theo chỉ đạo của Trung ương hội và Tỉnh hội trong năm 2019. Ông Viên cho biết thêm, báo cáo của Đảng ủy xã Quỳnh Tân không đưa ông Hồ Minh Mậu vào kỷ luật vì thời hiệu xử lý đã quá hạn.  Còn bà Nguyễn Thị Hà  bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Đọc thêm