Kỷ niệm "Nửa đêm không thăm được con cũng “bắt vạ” cán bộ thi hành án " của Phó Cục trưởng Trương Công Hoàng

(PLVN) - Nửa đêm, khi cả nhà đang ngon giấc thì điện thoại đổ chuông. Đầu dây bên kia khẩn thiết nhờ cán bộ thi hành án dân sự đến xử lý việc vợ cũ cấm cho thăm con. Đó là một trong những hàng trăm trường hợp “bắt vạ” cán bộ thi hành án mà anh Trương Công Hoàng đã từng trải qua trong quá trình công tác của mình.
Anh Trương Công Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh. ( Ảnh: Hữu Anh)

Thi hành án dân sự – nơi pháp luật hòa cùng nhịp đập trái tim

Buổi chiều đầu tháng 5, tôi đến Cục THADS Hà Tĩnh cũng là lúc anh Trương Công Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Hà Tĩnh vừa đi cùng đoàn cưỡng chế bàn giao tài sản cho người được thi hành án ở thị xã Kỳ Anh về, bộ áo ngành ướt đẫm mồ hôi.

Anh Hoàng chia sẻ: Qua hơn 30 năm gắn bó với ngành, từ ngạch công chức, chấp hành viên, Chi cục trưởng rồi Phó Cục trưởng nhưng với anh Trương Công Hoàng đã vượt qua không biết bao nhiêu gian truân, vất vả và đến những vinh dự được ngành cấp trên xem xét và công nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, từ Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng; Bằng khen Bộ Tư pháp công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020; Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp có thành tích, đóng góp cho công tác THADS giai đoạn 1993-2023 và rất nhiều Bằng khen, giấy khen của bộ ngành và địa phương trao tặng...

Nói vậy để thấy, mặc dù làm ngành thi hành án dân sự vất vả thật, khó khăn thật và cũng nhiều rủi ro thật, nhưng nếu bản thân mình yêu ngành, tâm huyết và có sự nổ lực, cố gắng, thì luôn được Đảng và Nhà nước, ngành cấp trên quan tâm, ghi nhận và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Qua trò chuyện về công việc thi hành án của anh Trương Công Hoàng thì nhiều không thể liệt kê hết, nhưng với anh những vụ việc liên quan đến thăm con sau ly hôn, nơi mà pháp luật và tình cảm con người luôn “va chạm” nhau một cách âm thầm nhưng day dứt.

Anh Hoàng kể, cách đây cũng đã lâu khi đó tôi đang làm chấp hành viên đã gặp trường hợp “rơi nước mắt”, sau khi TAND thành phố Hà Tĩnh tuyên xử vụ ly hôn, ông N.T.N có trách nhiệm giao con trai N.T.H cho bà P.T.K trực tiếp nuôi dưỡng. Sau khi bà P.T.K có đơn yêu cầu thi hành án và được thụ lý ra quyết định thi hành án theo đúng thời gian quy định.

Quá trình thi hành án đã nhiều lần vận động thuyết phục và giải thích cho các bên đương sự biết về quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật cũng như vấn đề căng thẳng giữa các bên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phát triển của đứa trẻ…

Sau thời gian vận động, thuyết phục người phải thi hành án cũng tự nguyện thi hành việc giao con theo án tuyên và hẹn ông N bà K có mặt tại cơ quan thi hành án để lập biên bản giao con theo quyết định.

Lúc này, Chấp hành viên tưởng chừng vụ việc gần như đã kết thúc, cảm thấy phương pháp và kỹ năng thuyết phục đã hiệu quả không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giao con theo quy định.

Với anh Trương Công Hoàng mỗi vụ việc được thi hành thành công, không chỉ là thực thi bản án mà còn là góp phần “vá lại” một phần nhỏ những tổn thương trong lòng một đứa trẻ. Ảnh: Hữu Anh

Cơ quan THADS đã lập biên bản giao nhận con theo án tuyên và theo sự thỏa thuận của các bên đương sự, đến phút cuối cùng thì bà K thay đổi ý kiến và gây khó khăn không muốn nhận con mà còn yêu cầu cơ quan thi hành án phải giao các giấy tờ tùy thân cho cháu H hoặc đưa ra các điều kiện khác không được ghi nhận trong bản án.

Tuy nhiên, sau quá trình làm việc với các bên của chấp hành viên vụ việc người phải thi hành án cũng kết thúc nhưng điều đọng lại và buồn thay cho hoàn cảnh đứa trẻ và trên khuôn mặt cháu dù còn nhỏ tuổi nhưng có biểu hiện oán trách cha mẹ bỏ rơi không chịu nuôi con.

Anh Hoàng kể thêm, mới đây nhất Cục THADS Hà Tĩnh nhận được đơn yêu cầu thi hành án vụ giải quyết bản án sau ly hôn. TAND huyện H giao quyền nuôi con chung là cháu T.V.T cho anh T.C.T nuôi dưỡng. Tuy nhiên chị K (vợ cũ anh T.) và bố mẹ chị K không đồng tình vì cho rằng anh T đã lấy vợ và bố mẹ anh T già yếu không thể chăm sóc và nuôi dưỡng tốt cho đứa bé.

“Công cuộc” giằng co giữa hai bên nội ngoại về quyền nuôi đứa bé đã gây ra xích mích, thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của đứa trẻ. Vì thế khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, anh Hoàng và các cán bộ nghiệp vụ của Cục THADS đã trực tiếp xuống gặp gỡ các gia đình. Qua tìm hiểu, cho thấy về mặt pháp lý không sai, nhưng gia đình bên nội đặc biệt là bố đứa bé vừa lấy vợ mới và sinh con cũng không “mặn mà” nuôi con trong khi đó ông bà nội đứa bé đã già cả nhưng vì “một phần thể diện” nên cũng không chịu thua.

Xét từ thực tế của hai gia đình và nguyện vọng đứa bé, anh Hoàng đã không quản ngại khó khăn dày công giải thích cho hai bên nội ngoại đứa bé. Sau một thời gian ông bà nội đứa bé không những đồng tình ủng hộ cho cháu bé về mẹ và ông bà ngoại nuôi mà ông bà nội đứa bé còn đồng tình ủng hộ, góp tiền hàng tháng để hai bên cùng nuôi dưỡng đứa bé và lo tương lai cho cháu.

Những giấc ngủ không tròn của nghề thi hành án

Đã gần 10 năm là Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh, nhưng với anh Trương Công Hoàng vẫn nhớ như in một vụ việc liên quan đến thăm con sau ly hôn vào năm 2014.

Thời điểm đó, anh là Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Hà Tĩnh: “Đêm hôm đó, trời mưa rả rích, thời tiết giá lạnh của mùa đông, lúc đó khoảng 10 giờ đêm, điện thoại tôi đổ chuông. Đầu dây bên kia là tiếng người cha nghẹn ngào. Anh ơi, tôi là S bố của cháu bé H trong vụ ly hôn, tòa xử cách đây một tháng trước. Nay vợ cũ khóa cửa, tôi đến thăm con mà vợ cũ không cho gặp. Nhờ cán bộ thi hành án đến nhà chị T giúp tôi được nhìn và thăm con một lát!”.

Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Tĩnh -Trương Công Hoàng tham gia chỉ đạo cưỡng chế một vụ tranh chấp đất đai tại thị xã Kỳ Anh (thứ 3 từ phải sang trái). Ảnh: Hữu Anh

Những tình huống như vậy không hiếm đối với nghề thi hành án. Mỗi lần như thế, anh Hoàng, dù không có nhiệm vụ phải xử lý ngay lập tức vào ban đêm vẫn lắng nghe, ghi nhận, hướng dẫn người dân cách làm đúng trình tự pháp luật, đồng thời kiên nhẫn giải thích, xoa dịu sự tổn thương trong lòng những người cha, người mẹ đang ở thế bất lực.

“Có người gọi cả chục lần trong một tuần, không phải để kiện, mà chỉ vì muốn được ai đó thấu hiểu. Mà người ta gọi mình là cán bộ thi hành án, như một chỗ bấu víu cuối cùng giữa vòng xoáy mâu thuẫn gia đình sau ly hôn”-anh Hoàng chia sẻ, giọng trầm lắng.

Đối với anh, nghề thi hành án không chỉ là cưỡng chế, giao tài sản hay xử lý nợ nần, mà là giải quyết những điều rất đời thường, rất con người, như nỗi đau không được gặp con, sự tuyệt vọng vì một bản án đúng mà thực tế lại khó thực hiện.

Chính bởi sự thấu hiểu ấy, anh luôn chọn cách làm mềm mỏng, nhân văn. Anh không ngại kiên trì vận động hàng tháng trời để người mẹ chịu cho cha gặp con, không nề hà chuyện vượt quá “nhiệm vụ chuyên môn” nếu điều đó giúp giữ lại một chút bình yên cho những đứa trẻ không may rơi vào cảnh bố mẹ ly hôn.

Gánh trên vai trách nhiệm của pháp luật, nhưng trong tim anh Hoàng luôn giữ sự cảm thông của một người cha, người anh, người lắng nghe. Bởi anh hiểu, mỗi vụ việc được thi hành thành công, không chỉ là thực thi bản án mà còn là góp phần “vá lại” một phần nhỏ những tổn thương trong lòng một đứa trẻ.

Thi hành án dân sự không phải là một nghề ồn ào, cũng chẳng có ánh hào quang, nhưng lại là nơi những người như anh Trương Công Hoàng lặng lẽ cống hiến từng ngày, từng đêm, để mang lại sự công bằng cho xã hội và sự bình yên cho những phận người lỡ làng giữa vòng xoáy pháp lý.

Mỗi vụ việc được giải quyết không chỉ là một bản án được thực thi, mà còn là một niềm tin được hồi sinh, một nỗi đau được xoa dịu và trên hết những người như anh Hoàng luôn chọn sống với nghề thi hành công lý bằng cả trí tuệ và trái tim của mình.

Đọc thêm