Đây là liệu pháp hữu hiệu đối với người bệnh trên thế giới nhưng chỉ một số ít bệnh viện Việt Nam hiện có khả năng triển khai.
Ca cấp cứu ngoạn mục
Trong hai ngày 24 và 27/2/2015, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (BVĐKPN) tiếp nhận hai trường hợp bị đột quỵ não cấp. Bệnh nhân là bà Phạm Thị Kim Yến (ngụ xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào) và ông Nguyễn Xuân Quế (ngụ xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ).
Người trực tiếp cấp cứu là bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Phú Sáu, Phó trưởng khoa Hồi sức – cấp cứu – chống độc của BV.
Bác sĩ Sáu cho biết, cả hai bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng rất nguy kịch. Sau khi kiểm tra ban đầu, các bác sỹ quyết định thực hiện quy trình tiêu sợi huyết Alteplase. Kết quả đã cấp cứu thành công cả hai bệnh nhân.
Bác sỹ Sáu chia sẻ: “Hai bệnh nhân đều rơi vào tình trạng không còn tỉnh táo, khó nói, bị liệt một phần cơ thể, chân tay hoạt động yếu… Trường hợp bà Yến còn có tiền sử bệnh tim nên trong quá trình điều trị, các bác sỹ phải rất cẩn thận, nếu không tính mạng của bệnh nhân sẽ rất nguy hiểm. Nhưng may mắn, hai trường hợp này đều được đưa tới bệnh viện trong quãng “thời gian vàng” (3 tiếng đầu khi có dấu hiệu đột quỵ) nên quá trình cấp cứu mới đạt được thành công”.
Theo bác sỹ Sáu, trước đây, do người bệnh chủ quan không chú ý nhận biết các dấu hiệu của bệnh cùng với phương tiện khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên tình trạng tử vong do bệnh này tương đối cao.
Y học phát triển đã nghiên cứu thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết Alteplase, một trong những kỹ thuật điều trị triệt để đối với bệnh nhân đột quỵ não cấp trong thời gian 3 tiếng đầu (còn gọi là thời gian “vàng”).
Biện pháp này có thể làm cải thiện tới 13% kết cục lâm sàng của bệnh nhân sau 3 tháng, thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và không đòi hỏi nhiều phương tiện chẩn đoán đắt tiền.
Đây là một kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, hiện nay rất ít bệnh viện có khả năng triển khai. Năm 2008, kỹ thuật này được áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
BVĐKPN là một trong tám bệnh viện vệ tinh đầu tiên được Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao kỹ thuật và trợ giúp trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng thành công khi thực hiện phương pháp này.
BVĐKPN bắt đầu áp dụng từ năm 2014, đã áp dụng được 5 trường hợp. Chỉ có một ca thất bại do người bệnh được đưa đến cấp cứu quá trễ. “Việc cấp cứu được hai ca bệnh vừa qua là một thành công ngoạn mục. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng nhưng còn kịp thời gian sử dụng thuốc. Nếu không cấp cứu thành công, nặng có thể nguy hiểm tới tính mạng, nhẹ thì bệnh nhân sẽ bị tàn phế”, bác sỹ Sáu chia sẻ.
Tiêu chuẩn “thời gian vàng”
Chia sẻ với phóng viên, bác sỹ Sáu cho hay, mỗi năm tại BVĐKPN tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu trong tình trạng bị đột quỵ não cấp với nhiều mức độ, biểu hiện khác nhau. Tỉ lệ tử vong hoặc ảnh hưởng nặng tới sức khỏe xảy ra tương đối nhiều, chủ yếu do cấp cứu quá “thời gian vàng”.
“Thời gian vàng là điều kiện tiên quyết đến tỉ lệ thành công của người bệnh cũng như bệnh viện”, bác sỹ Sáu khẳng định. “Thời gian vàng” là thời gian chỉ định sử dụng thuốc Alteplase đường tĩnh mạch cho bệnh nhân trong vòng 3 tiếng, tính từ thời điểm người đó có dấu hiệu bị đột quỵ cho tới lúc cấp cứu, được sử dụng thuốc.
Một liều thuốc Alteplase được đề nghị là 0,9 mg/kg. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân không đủ chi phí cho lọ thuốc thứ hai thì liều được hạ thấp từ 0,6 – 0,8 mg/kg (liều tối đa là 50mg) để tiết kiệm chi phí. Hoặc người có thể trạng kém, liều lượng cũng được hạ xuống cho phù hợp. “Khi tiêm thuốc cho bệnh nhân, liều 1 là 15% được tiêm vào tĩnh mạch, liều thứ hai là 85 % được truyền chậm trong vòng 1 tiếng”, bác sỹ Sáu chia sẻ.
Để điều trị thành công, quá trình thực hiện cần tuân thủ đúng quy trình; khi chụp CT sọ não cho bệnh nhân không có hình ảnh chảy máu não, không cản quang và phải hoàn chỉnh các công đoạn bắt buộc trong vòng một giờ đồng hồ. Một kíp thực hiện cần ít nhất một bác sỹ và 3 điều dưỡng.
Về điều kiện để triển khai kỹ thuật này, bác sỹ Sáu cho biết, bệnh viện cần phải có máy chụp CT, xét nghiệm máu chuẩn. Các y, bác sỹ cần có năng lực, trình độ xét nghiệm cơ bản, làm tốt về khâu cấp cứu. “Đối với kỹ thuật Alteplase, khi triển khai, áp dụng thì khâu nào cũng rất quan trọng và cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt”, bác sĩ Sáu nói.
Bác sỹ Sáu là người trực tiếp cấp cứu thành công hai ca đột quỵ não cấp bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết Alteplase. |
Ngoài việc áp dụng đối với bệnh nhân bị đột quỵ não cấp, kỹ thuật tiêu sợi huyết Alteplase còn có thể áp dụng đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào sự hợp tác, ý thức của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
Bác sỹ Sáu khuyến cáo, khi người dân có biểu hiện của bệnh, gia đình nên đưa người bệnh đến cơ sở có thể áp dụng kỹ thuật này để nhằm tiết kiệm được thời gian. Nhằm tranh thủ “thời gian vàng”, thay vì sơ cứu cho người bệnh bằng những phương pháp truyền thống như xoa bóp, cần phải chú ý xác định chính xác thời điểm người bệnh bắt đầu có dấu hiệu bệnh trước khi đưa tới viện.
Sau khi được cấp cứu thành công, bệnh nhân sẽ tiếp tục được bác sỹ thăm khám, theo dõi theo đúng phác đồ điều trị. Sau một tuần, người bệnh có thể xuất viện, song phải điều trị và thăm khám thường xuyên. Trường hợp bệnh tái phát, việc cấp cứu sẽ rất khó, nguy cơ tử vong cao.
Trao đổi thêm, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Văn Tá, Phó Giám đốc BVĐKPN cho biết, kỹ thuật tiêu sợi huyết Alteplase mới được thực hiện trên thế giới gần chục năm nay.
Tại Việt Nam, nơi áp dụng đầu tiên là TP.HCM, tiếp đó đến Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Một trong những nguyên nhân khiến việc áp dụng phương pháp này còn tương đối ít ở những nước đang phát triển như Việt Nam là danh mục thuốc đắt đỏ, lên đến 10 triệu đồng mỗi lần điều trị; và thuốc khó bảo quản. Bệnh nhân đã bị đột quỵ não cấp thì khả năng phục hồi sức khỏe rất kém, chất lượng cuộc sống suy giảm.
“Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, khi nghe thông tin về các khoản chi phí, thuốc thang, họ thường tỏ ra e dè, lưỡng lự. Hoặc khi đưa đến đây, người bệnh đã vượt quá ngưỡng “thời gian vàng” nên chúng tôi cũng đành bó tay. Dù vậy, phía bệnh viện vẫn tích cực tuyên truyền đến với người dân về kỹ thuật điều trị mới”, bác sĩ Tá chia sẻ.
Tại Việt Nam, nơi áp dụng đầu tiên là TP.HCM, tiếp đó đến Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Một trong những nguyên nhân khiến việc áp dụng phương pháp này còn tương đối ít ở những nước đang phát triển như Việt Nam là danh mục thuốc đắt đỏ, lên đến 10 triệu đồng mỗi lần điều trị; và thuốc khó bảo quản. Bệnh nhân đã bị đột quỵ não cấp thì khả năng phục hồi sức khỏe rất kém, chất lượng cuộc sống suy giảm.
“Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, khi nghe thông tin về các khoản chi phí, thuốc thang, họ thường tỏ ra e dè, lưỡng lự. Hoặc khi đưa đến đây, người bệnh đã vượt quá ngưỡng “thời gian vàng” nên chúng tôi cũng đành bó tay. Dù vậy, phía bệnh viện vẫn tích cực tuyên truyền đến với người dân về kỹ thuật điều trị mới”, bác sĩ Tá chia sẻ.