Kỳ vọng mới của giới báo chí

(PLVN) - Một ngày trước khi các cơ quan trung ương tổ chức “Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022”; UBNDTP Hà Nội ra một văn bản đáng chú ý gửi các sở, ngành, UBND cấp huyện.
Ảnh minh họa.

Trong văn bản này, UBNDTP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan cấp dưới phối hợp cung cấp, minh bạch thông tin với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật. Đặc biệt “khi phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, cần lưu lại bằng chứng, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng TP”.

Với các tờ báo thuộc Hà Nội, TP yêu cầu cơ quan chủ quản chú trọng công tác xây dựng Đảng; chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm điểm xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu tờ báo vi phạm. Các cơ quan chủ quản cũng cần tập trung đầu tư, bảo đảm kinh phí thường xuyên và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc. Hàng năm, tham mưu báo cáo TP bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền.

Với các cơ quan báo chí trực thuộc, Hà Nội đề nghị chi tiết từ việc khi liên hệ làm việc, nội dung giấy giới thiệu còn hạn phải ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, thời gian cụ thể, nội dung đề nghị cung cấp thông tin phải phù hợp tôn chỉ, mục đích. Không cấp giấy giới thiệu cho người không phải phóng viên cơ quan báo chí; không cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên nhưng ghi chức danh là phóng viên.

Là địa phương có rất nhiều tờ báo đặt trụ sở và cũng là cơ quan chủ quản của nhiều tờ báo, nên với văn bản trên, cho thấy Hà Nội đã nắm rất rõ tình hình báo chí hiện nay, khó khăn ra sao, còn có những lỗ hổng như thế nào. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Hà Nội có các biện pháp thực hiện đúng các yêu cầu như trong văn bản trên, tạo điều kiện và đảm bảo cho những người viết báo làm nghề thì tự khắc những hiện tượng “lộn xộn” sẽ dần chấm dứt.

Những khó khăn, vướng mắc này của báo chí hôm qua cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận diện, chia sẻ trong Hội nghị Báo chí toàn quốc. Để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân thì tiếp tục phải làm tốt vấn đề quy hoạch báo chí, nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh; Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ, ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Để báo chí cạnh tranh mạng xã hội, Phó Thủ tướng chỉ rõ các bộ, ngành phải cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác cho báo chí về những vấn đề dư luận, xã hội quan tâm. Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất thì nhân dân, công luận sẽ nghe theo.

Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, năm 2021, báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Kỳ vọng với những sự nhận diện nguyên nhân chính xác nêu trên, những khó khăn, vướng mắc của báo chí trong năm mới sẽ dần được tháo gỡ.

Đọc thêm