Thực trạng đã thấy rõ khi tuyến xe buýt nhanh đi vào vận hành. Dù đã bắt các phương tiện khác phải nhường đường thì xe chạy vẫn chỉ tương đương xe buýt chậm. Dù đã đổ vào dự án này rất nhiều tiền, dù đã kêu gọi người dân ủng hộ, tuân thủ sự phân luồng, đã đẩy khó khăn cho các phương tiện khác, giành thuận lợi cho mình mà cuối cùng mục đích vẫn chưa đạt được. Từ thực tế này có thể thấy việc quản lý và quy hoạch đô thị, điều tiết giao thông luẩn quẩn và giẫm chân lên nhau như thế nào!
Trong ngày gần cuối cùng của năm, xảy ra náo loạn ở bến xe Mỹ Đình do sự điều chuyển bến xe của Hà Nội. Các nhà xe và tài xế phản ứng bằng cách không xuất bến và hậu quả là hành khách gánh chịu. Lại đúng vào trước ngày nghỉ Tết Dương lịch nên sự hỗn loạn càng gia tăng. Sự cố này cũng phô bày một cách quản lý giao thông còn thiếu kiên quyết, tầm nhìn và liên tục phải chạy theo sự điều chỉnh, gây tâm lý không ổn định và bất mãn cho các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển khách.
Cả hai trường hợp trên lý giải và minh họa cho tình trạng giao thông Thủ đô với đủ các cung bậc từ quy hoạch đến quản lý, từ ý thức chấp hành pháp luật đến văn hóa giao thông, cả phía cán bộ nhà nước và nhân dân, những người tham gia giao thông. Và, đã nhận diện ra thì không thể để tình trạng này tiếp diễn.
Cũng trong ngày cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt, không được “đẩy” trách nhiệm.
Đã phân cấp rõ ràng như vậy thì hẳn không còn những chuyện lùm xùm, gây nên rất nhiều hệ lụy, kể cả việc coi thường kỷ cương, phép nước. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay, hy vọng rằng năm mới, xây dựng cũng như giao thông Thủ đô có những chuyển biến tích cực, tư duy hay vận hành đều thông thoáng.