Kỳ vọng vào cơ chế mua bán điện trực tiếp

(PLVN) - Việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) được đánh giá rất quan trọng bởi tính bền vững, lâu dài. Các tập đoàn lớn của thế giới tại Việt Nam đều đang rất “ngóng” cơ chế này được thực thi.
Nhu cầu mua trực tiếp điện gió, điện mặt trời rất lớn. (Ảnh: EVN).

Nhu cầu được mua bán điện trực tiếp lớn

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu của cơ chế DPPA để đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng; Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo (NLTT), bảo vệ môi trường; Là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Việc xây dựng và ban hành các loại văn bản này là điều kiện tiên quyết để bảo đảm giá bán lẻ cho từng khách hàng lớn phản ánh đúng và đầy đủ các chi phí, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước và bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) và các khách hàng khác.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heiniken, Google, Nike... đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ NLTT với khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), một số DN có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA (Samsung, Heineken, Nike) có tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000kWh/tháng. Một số cơ sở của Heineken ở Quảng Nam và Hà Nội có sản lượng tiêu thụ khoảng từ 500.000 đến 800.000kWh/tháng. Các cơ sở này đều đấu nối ở cấp 22kV trở lên.

Đáng chú ý, kết quả của cuộc khảo sát về nhu cầu tham gia mua bán điện trực tiếp của bên bán và bên mua cho thấy, nhu cầu về hình thức này rất lớn.

Cụ thể, về nhu cầu tham gia DPPA của bên bán (các đơn vị phát điện từ NLTT) cho thấy, trong số 95/106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) tham gia khảo sát có 24 dự án (với công suất đặt 1.773MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng. Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên) cho thấy, có gần 50% số khách hàng được khảo sát trả lời mong muốn được tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính 996MW.

Sẵn sàng thực hiện

Thực tế, câu chuyện mua bán điện trực tiếp đã được đề cập đến từ đầu năm 2020. Cụ thể, ngày 21/1/2020, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 544/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình thí điểm cơ chế DPPA. Ngày 29/10/2021, Bộ Công Thương tiếp tục gửi Báo cáo số 94/BC-BCT về việc triển khai xây dựng quy định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA. Ngày 11/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế DPPA.

Mới đây nhất, Bộ Công Thương có Tờ trình 9329/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn. Trong đó đã nêu đầy đủ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để ban hành Nghị định cũng như mục đích, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; mục tiêu, nội dung và giải pháp của chính sách.

Theo các báo cáo của Bộ Công Thương, sẽ có 2 trường hợp thực hiện mua bán điện trực tiếp. Trong đó, đáng chú ý, đối với trường hợp đơn vị phát điện từ NLTT mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn qua đường dây riêng, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã được điều chỉnh đầy đủ tại các văn bản quy phạm pháp luật để các đơn vị triển khai.

Đối với trường hợp đơn vị phát điện từ NLTT mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn thông qua lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, để triển khai được mô hình này cần phải hiệu chỉnh, ban hành bổ sung các quy định pháp lý hướng dẫn về tính toán giá phân phối điện; tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực; tính toán giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác; các hợp đồng mua bán điện mẫu (giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn, giữa đơn vị phát điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Bộ Công Thương khẳng định, với tình hình hiện tại của ngành, có đủ nguồn nhân lực, bộ máy, điều kiện cơ bản cho việc thi hành cơ chế DPPA sau khi Nghị định được thông qua, bảo đảm tính khả thi về chính sách. Đồng thời, các quy định tại Nghị định không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành khác. Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình dự thảo Nghị định về cơ chế DPPA vào tháng 5/2024 và Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2024.

Đọc thêm